Lương tháng 10 triệu đồng có đủ sống?
Mức sống ngày càng cao, vật giá lại leo thang mà tiền lương thì có hạn. Do đó, với nhiều người trẻ khi sinh sống và làm việc tại TP.HCM phải rất chật vật tiết kiệm thì mới đủ chi tiêu.
Mặc dù chưa lập gia đình nhưng sau khi ra trường, đi làm được 2 năm vẫn không tiết kiệm được bao nhiêu, Nguyễn Thị Kim Ngân (25 tuổi), ngụ tại đường Kha Vạn Cân, TP.Thủ Đức, chia sẻ làm tháng nào cũng chỉ đủ tiêu. “Trước kia, mình làm việc ở công ty nhưng sau này vì một số vấn đề nên chuyển sang làm freelancer (nhân viên tự do - PV). Mặc dù mình đang làm 3 công việc cùng lúc nhưng mức lương không cao bằng trước kia, chỉ được cái thoải mái hơn. Hiện tại, dù đã tiết kiệm hết mức có thể nhưng mỗi tháng tối thiểu mình tiêu hết 7,8 triệu đồng”, Ngân chia sẻ.
Cụ thể, mỗi tháng Ngân phải trả tiền thuê nhà và điện, nước 1,5 triệu đồng; cao nhất là tiền ăn uống 3 triệu đồng; chăm sóc da 2,3 triệu đồng; cà phê, gặp mặt bạn bè 1 triệu đồng và xăng xe, đi lại 400.000 đồng. Chưa kể, những khoản chi phí phát sinh khác như tiệc tùng, sinh nhật, đám cưới…
“Chi tiêu 1 tháng gần 8 triệu đồng nhưng đó là mức tối thiểu và mình đã tiết kiệm nhất có thể, chứ còn thoải mái thì không biết bao nhiêu cho đủ”, Ngân nói. Do vậy, với Ngân mỗi tháng có tiết kiệm được hay không là… hên xui. “Với mức lương hiện tại mình không dám nghĩ đến việc mua được nhà chung cư ở thành phố, nếu thuê thì còn có thể”, cô nàng gen Z chia sẻ.
Với những người trẻ mới tốt nghiệp, vừa bước chân vào thị trường lao động và không còn nhận hỗ trợ tài chính từ gia đình lại càng khó khăn hơn. Mới xin được việc làm sau tết, Phan Thị Kiều Vy (23 tuổi), ngụ tại Q.6, chia sẻ hiện tại lương chính thức chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng, nhưng các chi phí sinh hoạt căn bản đã khoảng 5 triệu đồng. “Dù mình đã tiết kiệm hết mức rồi nhưng tháng nào có đám cưới hay đi chơi là không dư một đồng”, Vy nói. Vì mới ra trường nên Vy tạm chấp nhận cuộc sống này. Cô nàng hy vọng thời gian sau mức lương khá hơn và sẽ có được 1 khoản để tiết kiệm.
Còn với những người trẻ đã lập gia đình như Trần Thị Thu Hương (30 tuổi), ngụ tại đường ĐHT 09, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 thì cuộc sống càng thêm chật vật hơn khi có rất nhiều khoản chi phí phải lo. “Mình làm công nhân lương chỉ được 8 triệu đồng/tháng nhưng bao nhiêu thứ phải lo. Từ tiền phòng trọ, sinh hoạt, ăn uống, đi lại, học phí cho 2 đứa con. Công việc của chồng thì không ổn định nên thu nhập chẳng bao nhiêu. Chi tiêu cái gì cũng tính toán đau hết cả đầu nhưng tháng nào cũng thiếu trước hụt sau, có khi còn đi mượn tiền”, Hương kể.
Tiết kiệm phải đi đôi với nỗ lực làm việc
Tùy vào thu nhập mà mỗi người sẽ có cách chi tiêu khác nhau để làm sao cho hợp lý. Với chị Bùi Thị Như Ý (31 tuổi), ngụ tại chung cư Ricca, TP.Thủ Đức, thì cho rằng việc cần bao nhiêu tiền để sống được ở thành phố này nằm ở bản thân mỗi người phải biết thế nào là đủ.
“10 năm về trước với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng mình vẫn sống được và đủ ở TP.HCM, nhưng bây giờ khi hầu như các chi phí đều tăng lên, nhu cầu trong công việc, học tập, cuộc sống, sinh hoạt hay giải trí của mọi người cũng cao hơn nhiều. Vì vậy, tùy vào thời điểm và mức thu nhập ở mỗi giai đoạn mà chi phí cần cho 1 tháng sẽ khác nhau. Hiện tại, để nói về mức sống đủ ở TP.HCM, với mình ít nhất là 10 - 12 triệu đồng/tháng”, chị Ý cho biết.
Theo tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ở một đô thị có mức sống cao như TP.HCM thì ngoài chi tiêu tiết kiệm, người trẻ cần phải nỗ lực làm việc nhiều hơn.
“Với những người trẻ, khó khăn nhất là ở giai đoạn mới ra trường vì không còn được nhận hỗ trợ tài chính từ gia đình. Mới đi làm, mức lương trung bình khoảng dưới 10 triệu đồng/tháng thì cuộc sống của họ khá chật vật nên ý thức trong vấn đề chi tiêu là rất quan trọng. Mỗi người cần có kế hoạch chi tiêu, quản lý tài chính cụ thể để không xài tiền một cách phung phí. Mỗi tháng nên để dành khoảng 20 - 30% tiền lương để tiết kiệm. Khi số tiền tiết kiệm đủ lớn có thể đầu tư trong khả năng để sinh lời”, ông Điền cho biết.
Ông Điền nhấn mạnh thêm, quan trọng là mỗi người phải ý thức được vấn đề tiết kiệm chi tiêu. Người trẻ cũng nên dành những khoản chi để đầu tư nâng cấp bản thân tốt hơn, như vậy sẽ giúp họ có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.
“Những gì cần thiết phục vụ cho đời sống thì nên chi, đừng lãng phí là được. Bên cạnh việc có ý thức trong vấn đề quản lý tài chính, mỗi người cần nỗ lực làm việc nhiều hơn. TP.HCM là nơi có rất nhiều cơ hội việc làm, giúp chúng ta tạo ra nguồn thu thập đa dạng. Vì vậy, nếu cố gắng thì mức sống sẽ được cải thiện đáng kể. Còn nếu làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu thì cả đời chỉ sống trong cảnh chật vật”, ông Điền chia sẻ.
Bình luận (0)