Sáng nay, 30.5, trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa (H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, cây thị cổ thụ hơn 700 tuổi trên địa bàn xã này vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ra quyết định công nhận là cây di sản Việt Nam.
"Từ trước đến nay cây thị cổ thụ vẫn luôn được người dân trong xã bảo vệ, gìn giữ. Sau khi cây thị này được công nhận là cây di sản Việt Nam, chính quyền xã sẽ có phương án chăm sóc và bảo vệ cây được tốt hơn", ông Đoài nói.
Theo ông Đoài, cây thị cổ thụ hiện nay vẫn đang phát triển tươi tốt ở trong một khu đất tiếp giáp với vườn nhà của 3 hộ dân là bà Trần Thị Nhuận, ông Uông Trung Hòa và ông Uông Xuân Hanh (ngụ tại thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa). Cây thị có đường kính gốc khoảng 4 m, thân cao khoảng 20 m, cành lá xum xuê, hàng năm trĩu quả.
Đặc biệt, trong gốc cây có hốc rỗng ruột lớn, vài người có thể vào ẩn nấp bên trong. Người dân địa phương còn lập đền thờ dưới gốc cây thị, đặt tên là "Gốc thị sử tích". Tại đây còn có bia đá chỉ rõ gốc thị là chứng tích của một lời thề quyết tâm đánh đuổi giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn.
Tương truyền rằng, vào năm 1424, trong quá trình đánh giặc Minh, để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ chín muồi, nghĩa quân Lê Lợi phải chuyển vào vùng núi Thiên Nhẫn (giáp ranh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để ẩn nấp. Một lần bị địch truy đuổi, Lê Lợi chạy đến vùng núi H.Hương Sơn và nấp vào trong hốc của gốc thị.
Vào năm 1425, biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đang đứng lên khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, Lê Lợi đã tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó cả hai cùng giết ngựa, cắt tóc ăn thề dưới gốc thị cổ, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh.
Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần.
Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền sử tích cây thị gắn liền với truyền thuyết về một thời dấy binh đánh giặc Minh của vua Lê Lợi.
Bình luận (0)