Dư luận xã hội lo lắng, phản ứng vì cho rằng khi tích hợp thực chất là biến mất môn sử. Thực tế trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn sử sẽ ở vị trí nào?
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong giờ học môn sử - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Nội dung cốt lõi trong môn khoa học xã hội
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, lịch sử tích hợp chủ yếu trong môn khoa học xã hội. Ngoài ra, vẫn có môn học hoặc chuyên đề lịch sử đứng độc lập dành cho những học sinh (HS) học chuyên sâu về khoa học xã hội hay cụ thể hơn là khoa học lịch sử. Còn HS học chuyên sâu về khoa học tự nhiên nhưng muốn tìm hiểu lịch sử vẫn có thể tự chọn một chuyên đề sử trong chương trình để học.
Theo định hướng xây dựng các chương trình môn học, môn khoa học xã hội là môn học mới, được xây dựng chủ yếu từ các môn lịch sử, địa lý hiện hành.
|
Lịch sử bắt đầu được dạy như một môn khoa học từ cấp THCS khi mà môn khoa học xã hội tích hợp chủ yếu các kiến thức về lịch sử, địa lý. Giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn khoa học xã hội là môn tự chọn bắt buộc ở lớp 10 và 11 dành cho HS định hướng khoa học tự nhiên.
Đối với HS định hướng khoa học xã hội thì học sâu hơn nên môn khoa học xã hội tách thành 2 môn học độc lập gồm lịch sử và địa lý. Việc dạy lịch sử nói riêng và môn khoa học xã hội nói chung cũng được thay đổi theo hướng kết hợp các hình thức học nhóm, học ở lớp, học thực địa bảo tàng, di tích, học theo dự án học tập, học qua phim ảnh…
Theo Bộ GD-ĐT, nội dung môn khoa học xã hội ở cả cấp THCS và THPT sẽ không phải được tích hợp theo hướng “trộn vô cơ” tất cả các bài học vì không phải nội dung kiến thức nào cũng có thể tích hợp được. Mạch kiến thức các phân môn lịch sử, địa lý được sắp xếp gần nhau nhằm soi sáng và liên hệ lẫn nhau, đồng thời có thêm một số chủ đề liên môn mang tính tích hợp mạnh. Với điều kiện đội ngũ giáo viên hiện nay, giáo viên của phân môn nào sẽ dạy nội dung của phân môn đó; đối với các chủ đề tích hợp thì giáo viên của các môn liên quan sẽ cùng thảo luận, xây dựng giáo án và tùy theo chủ đề, giáo viên nào có thế mạnh thì sẽ là người đứng lớp giảng dạy chủ đề đó.
Phải đảm bảo kiến thức cơ bản về lịch sử
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), sau khi nghiên cứu kỹ dự thảo chương trình nhận xét: “Điều này là hợp lý nếu cách thức triển khai phù hợp”. Ông Cương cho rằng, từ cấp tiểu học đến THCS, khi lịch sử tích hợp với địa lý thành môn khoa học xã hội với thời lượng tăng lên thì vẫn có thể đảm bảo HS được trang bị kiến thức phổ thông cốt lõi. Còn đối với HS cấp THPT thì kiến thức có sự phân hóa và định hướng nghề nghiệp, nên việc học môn lịch sử hay các môn học khác rõ ràng phải theo các mức độ khác nhau, tùy vào nhu cầu của người học. “Tuy nhiên, thiết kế chương trình môn học phải đảm bảo, hết THCS (giai đoạn giáo dục bắt buộc) là HS được trang bị kiến thức nền tảng, cơ bản về lịch sử”, ông Cương nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Việt Hà, một tác giả sách giáo khoa chương trình hiện hành, nhận xét: “Việc tích hợp các môn học lý, hóa, sinh vào môn khoa học tự nhiên; lịch sử, địa lý vào khoa học xã hội là một xu thế đúng do tính quan trọng phổ quát kiến thức của cấp THCS. Lên cấp THPT, tính phân hóa, phân ban bắt đầu có, khi đó HS sẽ được quyền chọn các môn, các khoa học mà mình yêu thích. Khi đó ngoại ngữ, ngữ văn, toán, lý, hóa, sinh, sử, địa đều là những chuyên ngành mà HS có thể lựa chọn. Như vậy hướng phân hóa cao cho cấp THPT cũng hoàn toàn hợp lý”.
Ông Hà nói thêm: “Nhìn lại bức tranh của chương trình giáo dục mới tổng thể, tôi không thấy một sự bất cập nào đáng kể nếu xét như một hệ thống. Không có chuyện “đục bỏ” môn lịch sử hay làm cho môn này trở nên không quan trọng, ngược lại đã đặt đúng môn này vào vị trí của nó như một môn khoa học. Những vấn đề của lịch sử có ý nghĩa chính trị lớn, giáo dục lòng yêu nước, chủ quyền biển đảo có thể đưa vào môn công dân”.
Còn GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng Bộ GD-ĐT cần phải làm rõ sẽ tích hợp nội dung lịch sử vào môn khoa học xã hội hay môn công dân với Tổ quốc ra sao, mức độ cụ thể thế nào… Chỉ khi có công bố của Bộ thì việc bàn về vị trí của môn lịch sử mới có thể đúng hướng. Theo ông Thi, phương pháp tích hợp là một cách làm mới và rất cần phải được thực nghiệm. “Trong chương trình thực nghiệm ấy, có những phần tách riêng của từng môn học, hay gọi là phân môn, có những nội dung tổng hợp của nhiều môn. Như vậy chúng ta chỉ thực nghiệm phần tổng hợp đó thôi”, ông Thi nói.
Học sử ở trường quốc tế
Một phụ huynh có con gái út đang học lớp 7 tại Trường quốc tế Canada (CIS) cho biết trong bữa cơm chiều, cả nhà bất ngờ khi con hỏi: "Bố mẹ, nguyên ngày hôm nay ở trường, tụi con được thầy cô kể cho nghe về cuộc khủng bố của IS ở Paris. Mà bố mẹ đã biết nhóm Anonymous cũng vừa tuyên chiến với IS chưa?".
Nói rồi, chưa kịp để bố mẹ trả lời, con vanh vách tường thuật về nguyên nhân và diễn biến chi tiết của các cuộc khủng bố tại phòng hòa nhạc, sân vận động... Trong khi đó, cô con gái nuôi đang học ĐH Sư phạm năm thứ nhất chỉ lặng lẽ ngồi ăn. Khi được hỏi ở trường ngày nay học gì, cô sinh viên chỉ cười bẽn lẽn: "Dạ, tụi con vẫn tiếp tục học... bắn súng như bình thường thôi!".
Phụ huynh này cũng kể khi xảy ra trận động đất thế kỷ ở Nhật Bản, cả ngày hôm đó trường dạy cho các HS không chỉ biết chia sẻ mất mát với nhân dân Nhật mà còn cung cấp cho các em một minh họa bằng thực tế sống động để hiểu thế nào là động đất và sóng thần.
Dịp bầu cử Tổng thống Mỹ, HS các cấp lập tức được cập nhật tình hình hằng ngày, qua đó tìm hiểu luôn về chế độ tổng thống cũng như cách thức bầu cử của Mỹ. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, các giáo viên dạy sử cũng chia sẻ ngay cho HS thông tin về cuộc đời của ông trong bài học ngày hôm đó và thư viện cũng kịp bổ sung các ấn phẩm về Võ Nguyên Giáp bằng tiếng Anh...
Đăng Nguyên
(ghi) |
Ý KIẾN
Tích hợp theo môn học
Chương trình của Úc mang tính tích hợp nhưng đảm bảo phân hóa để đẩy mạnh việc định hướng nghề nghiệp.
Phần bắt buộc quy định với 2 môn toán và ngôn ngữ. Các môn còn lại sẽ được chia thành 2 định hướng khoa học tự nhiên - kỹ thuật và khoa học xã hội - nhân văn để HS lựa chọn. Từng môn được chia nhỏ thành nhiều phân môn. Chẳng hạn như môn sử có sử hội họa, sử phương Tây, sử phương Đông... Như vậy có thể nói rằng, chương trình tích hợp theo từng môn chứ không phải theo lĩnh vực hay cộng dồn môn với nhau như của VN.
Cao Huy Thảo
(nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc TP.HCM - SIC) Phải nhìn lại nội dung môn sử trong chương trình hiện nay
ở Canada, từ lớp 1 - 6 HS được học môn học về xã hội nhưng từ lớp 7, 8 là môn bắt buộc, từ lớp 9 - 12 môn tự chọn học theo tín chỉ. Vấn đề đáng quan tâm và cần đặt ra hơn là HS sẽ học được gì ở môn sử? Nếu vẫn cứ dạy sử theo kiểu như bây giờ thì HS không chán học mới là lạ! Không phải chuyện giảm tải hay tích hợp, cũng chưa bàn tới phương pháp, điều quan trọng là phải nhìn lại toàn bộ nội dung, tính chất của môn sử trong chương trình đang dạy cho HS hiện nay.
Nguyễn Thị Kiều Oanh
(Chủ tịch HĐQT Trường quốc tế Canada) Đ.Nguyên - B.Thanh
(ghi) |
Bình luận (0)