Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 3.4, ở một trường học tại TP.HCM, một cây cổ thụ trồng trong trường bật gốc khiến 5 người bị thương. Hồi năm 2020, cũng tại TP.HCM, cây phượng lớn trong sân một trường học bật gốc đè tử vong một học sinh. Sau vụ tai nạn này, một số trường học đã chặt bỏ hàng loạt cây xanh để phòng hậu họa...
Chưa hết, mới đây tại Hà Tĩnh, hàng loạt học sinh phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn hạt cây ngô đồng được trồng trong sân trường... Từ thực trạng này, nhiều bạn đọc (BÐ) cho rằng cần phải tính đến chuyện chủng loại cây nào thì nên trồng trong sân trường, chủng loại nào thì không...
Cây trong trường "không chỉ là cây"!
BÐ Lan Phương đánh giá "trường học là môi trường nhạy cảm", vì là nơi để dạy dỗ, rèn luyện, phát triển nhân cách cho học sinh, bao gồm cả không gian trong khuôn viên trường. "Ở đó, cây xanh ngoài đem lại bóng mát còn có tác dụng giáo dục học sinh kết nối, gần gũi với thiên nhiên, từ đó có sự tôn trọng hơn với môi trường xung quanh, sống hòa mình với thiên nhiên. Tuy nhiên, từ những vụ việc cây xanh trồng trong sân trường ngã đổ, chủng loại cây trồng không phù hợp đã đe dọa sự an toàn của học sinh, nên việc trồng cây trong trường cần được nghiêm túc xem xét ở nhiều khía cạnh", BÐ này viết. Những tiêu chí mà BÐ này cho rằng phải tính đến khi trồng một loại cây nào đó trong sân trường: nhiều bóng mát nhưng không dễ gãy đổ, tán lá rộng nhưng nhẹ, không nguy hiểm nếu gãy rụng...
"Ðã hơn 30 năm trôi qua, khi quay lại ngôi trường cấp 2 cũ, vẫn còn đó cây phượng vĩ mà chúng tôi thường tập trung dưới bóng mát của nó những giờ ra chơi, hay những buổi trưa đi học sớm, lần theo tiếng ve kêu để rồi bắt gặp chúng đang yên vị trên những nhành cây, nhánh lá. Biết bao kỷ niệm ùa về khi gặp lại cây phượng vẫn sừng sững trong sân trường. Cũng có lần quay lại trường đại học cũ (một ngôi trường đào tạo các ngành khoa học xã hội - nhân văn ở TP.HCM), chúng tôi tranh nhau ngồi trên ghế đá, dưới gốc cây ngọc lan "cao to, khổng lồ" sát dãy giảng đường mà chúng tôi đã có hơn 4 năm học tập... để ôn kỷ niệm xưa. Cây cối trong sân trường không chỉ là vật để trang trí, để lấy bóng mát mà còn có ý nghĩa tinh thần, gợi nhớ nhiều ký ức, kỷ niệm quý báu của mỗi học sinh, sinh viên. Do vậy, không chỉ đơn giản là chặt bỏ hay không trồng để đỡ xảy ra "hậu họa", trách nhiệm", BÐ Pham Quy Huu chia sẻ.
Không nên bỏ mặc cây cho "trời", "đất"
Nhiều BÐ đưa ra giải pháp, trước mắt căn cứ theo danh sách những loại cây mà cơ quan chức năng cấm trồng trên đường phố (như trong danh mục cây cấm trồng trên đường phố mà UBND TP.HCM đã ban hành) thì cấm trồng luôn trong khuôn viên trường học. "Sau đó cần sự tư vấn của chuyên gia để lọc thêm, không chỉ cấm cây gì mà còn cần trồng cây gì trong trường", BÐ Kien Thiet đề nghị.
Một số BÐ cũng chỉ ra rằng hiện nay rất nhiều trường học mới xây, để nhanh chóng có cây lớn, nhiều bóng mát, các trường thường lựa chọn phương án mua, bứng cây từ nơi khác về trồng. Chính vì điều này nên bộ rễ của cây phát triển kém, chưa kể chỗ trồng cây chỉ là "cái ô vuông trên nền bê tông", nên sự phát triển bộ rễ không tốt, độ bám của cây vào đất kém thì nguy cơ ngã đổ rất cao.
"Ngoài việc cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa ra danh mục cây cấm trồng và khuyến khích trồng trong sân trường, các trường cũng nên có đội ngũ chuyên trách hoặc thuê thêm đơn vị bên ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc cây xanh để bảo dưỡng, cắt tỉa nhánh, bón phân định kỳ...; không nên bỏ mặc cây xanh trong sân trường cho "trời", "đất" để phòng ngừa các sự cố", BÐ My Chi đề nghị.
* Đây là thực trạng dễ được cho là "nhỏ mà không nhỏ". Nếu đã có danh mục cây được trồng hay cấm trồng trên đường phố, cũng nên có danh mục cây được trồng, cấm trồng trong khuôn viên trường học, thậm chí trong khuôn viên có khoảng không gian rộng ở các cơ quan công quyền...
Minh Luân
* Cây xanh rất cần trong khuôn viên trường. Muốn có những cây lấy bóng mát, nên cân nhắc các loại cây như: sanh, si, xà cừ, bàng... vừa bền bỉ trăm năm, vừa mau lớn mà cành cây rất dẻo, ít bị sâu mọt...
Trung Tuyen Nguyen
Bình luận (0)