Tổng cộng 18 quả Katyusha đã rót liên tiếp vào căn cứ Taji, nơi trú đóng của liên quân do Mỹ dẫn đầu, khiến 3 quân nhân thiệt mạng và 12 người khác bị thương. Trong thông cáo báo chí sau đó, liên quân chống khủng bố tại Iraq và Syria (CJTF - OIR) xác nhận vụ phóng rốc két xảy ra vào đêm 11.3 (giờ địa phương). Trong quá trình lần theo dấu vết, quân đội Iraq tìm thấy một xe tải được dùng để khai hỏa rốc két bị bỏ lại gần căn cứ. Taji là căn cứ quân sự cách Baghdad khoảng 27 km về hướng bắc. Đây là nơi liên quân dùng để huấn luyện cho các lực lượng an ninh Iraq. Vụ tấn công vào tối 11.3 cũng đánh dấu lần thứ hai nơi này trúng rốc két kể từ tháng 1. Cho đến nay vẫn chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm.
Trao đổi qua điện thoại sau khi nhận thông tin về căn cứ ở Iraq, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Anh Dominic Raab đã lên án vụ tấn công và cam kết sẽ hợp tác tìm ra thủ phạm đứng sau vụ này, theo báo The Guardian. Đồng thời London cũng gây áp lực buộc chính quyền Baghdad phải truy lùng những kẻ đã phóng rốc két. Sau khi căn cứ Taji trúng hỏa lực, truyền thông Iraq đưa tin lực lượng Mỹ lập tức cho các chiến đấu cơ xuất kích giáng đòn trả đũa vào những mục tiêu của các tay súng Hồi giáo Shiite ở tỉnh Anbar (Iraq) và trên lãnh thổ Syria. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho hay vẫn còn quá sớm để có thể quy trách nhiệm cho một tổ chức cụ thể nào. Giới quan sát cảnh báo nếu kết quả điều tra cho thấy phía Iran có dính líu đến vụ này, khu vực nhiều khả năng sẽ bị đẩy vào vòng xoáy leo thang xung đột mới giữa Mỹ và Iran.
|
Vụ tấn công căn cứ Taji xảy ra trong bối cảnh Mỹ và Iraq được cho là đang lâm vào thế giằng co về việc đưa thêm các hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ đến quốc gia Trung Đông này, theo Reuters. Tuy nhiên, tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM), hôm 10.3 thông báo với Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng Mỹ cuối cùng cũng chuẩn bị đưa các hệ thống tên lửa đến Iraq. “Chúng ta đang trong quy trình đưa các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa đạn đạo đến Iraq, với mục tiêu bảo vệ lính Mỹ trước nguy cơ Iran có thể tiếp tục tấn công trong tương lai”, theo trang thông tin của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ.
Chỉ huy CENTCOM không cung cấp thêm thông tin về loại hệ thống phòng không, cũng như khung thời gian triển khai. Tuy nhiên, giới quan sát đưa ra một số “ứng viên” thích hợp, bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Bình luận (0)