Cần giải pháp hữu hiệu cho tình trạng rút BHXH một lần

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/12/2022 06:49 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhìn nhận tỷ lệ người rút BHXH tăng là “không bình thường”, cần sớm có giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng này.

Lo lắng kinh tế khó khăn, mất việc sát tết

Chiều 15.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 18, cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong các tháng 10 - 11.2022. Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri, nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, cử tri, nhân dân bày tỏ sự bức xúc về việc giá xăng dầu tại các kỳ điều hành gần đây không cao như những tháng đầu năm, nhưng thị trường trong nước đã xảy ra tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng, có nhiều trường hợp không mua được đủ số lượng theo nhu cầu sử dụng.

Phó tổng giám đốc BHXH VN Chu Mạnh Sinh báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Theo ông Bình, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống cũng như sản xuất hằng ngày của người dân, doanh nghiệp nên nếu để việc này diễn ra trên diện rộng và liên tục sẽ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng kinh tế, trật tự xã hội và đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân đặc biệt lo lắng về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, đã gây ngộ độc trong trường học như vụ việc tại Khánh Hòa; về tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán 2023 đã gần kề; tình trạng rút BHXH một lần. Cùng với đó là tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh cho người dân…

Tâm lý chờ đợi sửa luật Đất đai để được hưởng giá đền bù cao

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị báo cáo cần bổ sung các ý kiến của doanh nghiệp đề nghị giải quyết tình trạng thiếu vốn trên các thị trường. Theo ông Thanh, trong các tháng 10 - 11 vừa qua, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng rất khó khăn, chứng khoán giảm xuống dưới 1.000 điểm, trái phiếu doanh nghiệp cũng đang thắt chặt, bất động sản xảy ra tình trạng bán tháo…

“Đây là những vấn đề vừa qua Chính phủ cũng có giải quyết. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang đề nghị tất cả các kênh của thị trường vốn từ tín dụng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản phải sớm giải quyết vì nếu kéo dài sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho hay, doanh nghiệp phản ánh tình trạng “tô hồng”, thông tin một chiều theo hướng người dân sẽ được hưởng giá đền bù đất cao hơn, dẫn đến tâm lý chờ đợi sửa luật Đất đai để được hưởng giá đền bù cao. Theo ông Thanh, tâm lý này cùng với tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh của cán bộ địa phương, thiếu các quy hoạch theo luật Quy hoạch khiến việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, không khởi công được dự án mới.

Rút BHXH một lần tăng, chưa có giải pháp hiệu quả

Tại phiên họp, báo cáo về tình trạng rút BHXH một lần của người lao động thời gian qua, Phó tổng giám đốc BHXH VN Chu Mạnh Sinh cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021 có khoảng hơn 4 triệu người rút BHXH một lần, chưa tính số người do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết. Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 800.000 người rút BHXH một lần. Số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Riêng năm 2022, ông Sinh cho biết, ước khoảng 895.500 người rút BHXH một lần, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.

“So với bình quân các năm thì người rút BHXH một lần ước tăng năm 2022 không phải bất thường, chỉ tăng 3,7%”, ông Sinh nhìn nhận.

Về nguyên nhân, ông Sinh cho biết một phần là do chính sách rút BHXH một lần có nhiều thuận lợi, đồng thời do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua khiến đời sống của người dân có nhiều khó khăn. “Nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống”, ông Sinh nói.

Phó tổng giám đốc BHXH VN cho biết, thời gian qua cũng như sắp tới, BHXH VN sẽ tích cực truyền thông tới người dân; đồng thời sớm đề xuất giải pháp căn cơ, lâu dài để hạn chế nhất việc rút BHXH một lần.

Ông Sinh cũng kiến nghị Nhà nước cần có các giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động. Bên cạnh đó, khi sửa luật BHXH, cần tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia BHXH chưa được hưởng một lần, giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội hưởng lương hưu.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có nhiều con số “đáng chú ý” như trong cả giai đoạn 2016 - 2021, có 4,06 triệu người rút BHXH một lần, trong khi số người phát triển thêm chỉ 4,23 triệu người. Bên cạnh đó, số người tái tham gia BHXH trong số những người đã rút BHXH một lần là 140.000 người, chỉ chiếm 3,5%.

“Rõ ràng là tình trạng này tăng dần hằng năm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu giải quyết”, bà Thúy Anh nhận định.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ không đồng tình với nhận định của Phó tổng giám đốc BHXH VN khi cho rằng, tỷ lệ rút BHXH một lần năm 2022 tăng là bình thường.

“Tỷ lệ tăng này bình thường nhưng trong cả giai đoạn bất bình thường. Mình nói nó không bất thường là không đúng. Chỗ đấy cũng cần có giải pháp để xử lý cho hiệu quả”, ông Phương nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.