'Người lao động muốn được hỗ trợ tiền nhà, học phí cho con, giảm tiền điện, nước...'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
02/12/2022 19:32 GMT+7

Đại diện Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (tỉnh Bình Dương) đề nghị cần xem xét có chính sách hỗ trợ khẩn cấp người lao động . "Người lao động mong được hỗ trợ tiền thuê nhà, học phí cho con, mua hàng giá rẻ, giảm tiền điện, nước…”

Ngày 2.12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (VCCI TP.HCM) tổ chức tọa đàm tình hình sản xuất kinh doanh và lao động việc làm ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Thị trường khó lường, nghịch lý tuyển dụng lao động

Giám đốc VCCI TP.HCM Trần Ngọc Liêm cho hay, trong quý IV năm 2022, đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, sụt giảm mạnh. Nhiều đơn vị phải thu hẹp sản xuất, giảm lao động. Chính vì vậy, tọa đàm với sự tham gia của đại diện các Sở LĐ-TB-XH, Liên đoàn Lao động cùng đại diện các hiệp hội ngành nghề và DN sử dụng nhiều lao động trên địa bàn 3 tỉnh thành sẽ giúp rà soát lại thực tế hiện trạng lao động - việc làm, từ đó có giải pháp hỗ trợ DN và người lao động (NLĐ) trong dịp tết cận kề.

Buổi tọa đàm về tình hình sản xuất kinh doanh và lao động việc làm ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai

phạm thu ngân

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định do bối cảnh xung đột giữa Nga - Ukraine, chính sách về Covid-19 của các nước, lạm phát..., chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Theo bà Mai, chưa năm nào tình hình xoay chuyển một cách bất ngờ như năm nay.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Việt Nam mở cửa trở lại từ tháng 10.202, các đơn hàng tới tấp, đó là thời điểm bùng nổ của ngành dệt may. Tuy nhiên, chỉ đến giữa năm 2022, tình hình có chuyển biến khác, hàng tồn kho rất nhiều, đặc biệt hàng sợi cotton.

Điều này ảnh hưởng đến NLĐ, và nhất là NLĐ lớn tuổi. Bà Mai dẫn chứng, khi Công ty TNHH Tỷ Hùng (Q.Bình Tân, TP.HCM) thông báo cắt giảm 1.185 lao động, có công ty khác đến tuyển dụng nhưng họ lại không muốn tuyển công nhân lâu năm.

Liên quan ý kiến này, ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam (chuyên may mặc xuất khẩu) cũng đề xuất Chính phủ có chính sách ưu tiên cho DN sử dụng NLĐ lớn tuổi để khi họ bị mất việc thì các công ty khác có thể sẵn lòng tuyển dụng họ.

Ông Hùng cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn hàng không đủ cho quy mô hoạt động của 3 nhà máy của công ty. Vì thế, công ty có chính sách khuyến khích cho NLĐ thôi việc trên tinh thần tự nguyện.

“Trong 2 tháng cuối năm đã có khoảng 2.000 NLĐ nghỉ việc. Chúng tôi cũng ghi nhận thực tế có rất nhiều NLĐ lớn tuổi tự nguyện nghỉ việc để được nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần. Lý do vì NLĐ rất e ngại chính sách BHXH có thể thay đổi, nhất là rút ngắn thời gian tính lương hưu và đề xuất rút BHXH 1 lần chỉ 8%”, ông Hùng nói.

Song song đó, đại diện Công ty TNHH may thêu Thuận Phương cũng chia sẻ rằng có nghịch lý dù có lượng lớn công nhân lao động thất nghiệp nhưng DN có nhu cầu lao động lại tuyển không được. Nguyên do chính vì NLĐ không muốn tham gia BHXH và chỉ muốn làm thời vụ, thời gian này họ có thể lãnh trợ cấp thất nghiệp và có thời gian ăn tết với gia đình lâu hơn.

Nhiều DN tại tọa đàm cũng chia sẻ rằng việc lựa chọn tham gia BHXH nữa hay không của NLĐ còn vì tác động của hậu Covid-19 khi chưa biết ngày mai và công việc sẽ thế nào. Vì vậy, phía cơ quan BHXH cần có chính sách thu hút NLĐ, giữ chân NLĐ ở lại hệ thống an sinh này.

Doanh nghiệp, người lao động kiến nghị gì?

Theo khảo sát của VCCI TP.HCM với hàng chục DN có quy mô sử dụng từ 1.000 - 50.000 NLĐ (chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực da giày, dệt may, điện tử) cho thấy có 46% DN muốn giữ nguyên số lao động hiện tại; 40,5% DN giảm lao động và chỉ có 13,5% DN muốn tăng lao động.

Một số DN đã có dự kiến giảm 9.765 lao động, và một số nói sẽ tăng khoảng 1.950 lao động.

Về triển vọng tình hình sản xuất kinh doanh, có 9% DN nói có tăng đơn hàng để sản xuất, 68% DN nói đơn hàng chắc chắn giảm và 23% DN trả lời chưa biết.

Qua đó, DN kiến nghị Chính phủ làm việc với các nhà mua hàng lớn xem xét ưu tiên đơn hàng cho DN Việt Nam; có các gói hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động tương tự các gói trước mà nhà nước đã áp dụng trong thời kỳ Covid-19.

DN cũng kiến nghị lùi thời gian đóng BHXH, phí công đoàn; giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập DN; ngân hàng giãn vốn cho DN đang vay; giảm thanh tra, kiểm tra.

Song song đó, các DN đề xuất tổ chức công đoàn và các ban ngành liên quan có nhiều chính sách phối hợp với DN chăm sóc NLĐ vào dịp tết, hướng dẫn cho DN lập và tổ chức các phương án lao động đúng đắn, hợp lý; có phương án kết nối cung cầu lao động hợp lý.

Đại diện Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (tỉnh Bình Dương) cho hay rằng đơn hàng của công ty giảm 50%, vì vậy, công ty phải đi đến quyết định giảm tuyển dụng, giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ tết của NLĐ và tạm hoãn hợp đồng với 1.000 NLĐ trong thời gian 2-3 tháng, bắt đầu từ tháng 12.2022.

Qua đó, đại diện Công ty TNHH Shyang Hung Cheng đề nghị rằng cần xem xét có chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho NLĐ.

"NLĐ chia sẻ với chúng tôi rằng khi công ty có tham dự các tọa đàm hãy giúp họ nói lên cho các lãnh đạo ban ngành lắng nghe và hỗ trợ. Họ mong muốn được hỗ trợ tiền thuê nhà, học phí cho con, mua hàng giá rẻ, miễn giảm đóng vào quỹ thiên tai lũ lụt; giảm tiền điện, nước…”, đại diện Công ty TNHH Shyang Hung Cheng nói.

Đại diện các Sở LĐ-TB-XH 3 tỉnh thành cho hay sẽ tập hợp kiến nghị của các DN, hiệp hội để báo cáo về UBND tỉnh; từ đó có kiến nghị với Bộ LĐ-TB-XH, Chính phủ các phương án hỗ trợ DN, NLĐ phù hợp.

Ông Ngô Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB-XH cho hay việc cắt giảm lao động có thể diễn ra cục bộ ở một số ngành, một số địa phương chứ không phải trên diện rộng. Tuy nhiên, vì biến động khó lường của thị trường, đây có thể chỉ là khó khăn bước đầu và tình hình có thể tồi tệ hơn trong quý 1, quý 2 năm 2023. Với các kiến nghị của DN, ông ghi nhận, có báo cáo về Bộ LĐ-TB-XH và Chính phủ. Song song đó, ông cũng đề nghị các địa phương với các quy định pháp lý có thể ban hành những gói hỗ trợ hay giải pháp xử lý đặc thù vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn từ nguồn ngân sách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.