Lao động lo mất tết
Hơn 10 năm làm công nhân, chưa bao giờ anh Nguyễn Văn Bình (quê Thanh Hóa), đang làm việc cho một doanh nghiệp (DN) lắp ráp điện tử tại Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long (Hà Nội) lâm vào cảnh khó khăn như thời điểm này. Từ tháng 10, đơn hàng ít, công ty dừng sản xuất, thu nhập giảm xuống một nửa, chỉ còn 8 triệu đồng/tháng. Theo anh Bình, các năm trước, cuối năm đơn hàng liên tục làm không hết việc. “Như năm ngoái, dù dịch Covid-19 chúng tôi vẫn được thưởng 3 tháng lương, năm nay, đúng là không dám nghĩ đến. Tất cả chi tiêu đều phải tằn tiện, không có tiền coi như mất tết”, anh chia sẻ.
Mặc dù khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở thưởng tết cho người lao động |
Thu Ngân |
Cũng trong tình cảnh không có việc làm thêm, chị Quỳnh Oanh (quê Tuyên Quang), công nhân DN sản xuất linh kiện ô tô tại KCN Thăng Long, cho biết: “Trước tôi làm công nhân trong Đồng Nai, năm ngoái về quê tránh dịch, tôi lập gia đình rồi xin việc ở Hà Nội. Tưởng về gần nhà bớt chi phí đi lại, đỡ vất vả hơn, nhưng giờ không còn tăng ca, làm thêm, thu nhập chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Công nhân làm việc cả năm, chỉ trông chờ vào thưởng tết để còn mua sắm cho gia đình. Năm nay, tết dương lịch và âm lịch gần nhau, đến giờ chưa có thông tin chắc là không có thưởng tết dương, còn tết âm thì khả năng có nhưng sẽ thấp”.
TP.HCM đề nghị thông báo lương, thưởng tết cho người lao động trước ngày 25.12 |
Doanh nghiệp hứa có thưởng
Các DN cũng áp lực không kém, vừa lo tìm đầu ra cho các đơn hàng, duy trì sản xuất, vừa lo kế hoạch thưởng tết. Bà Nguyễn Thị Tâm, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Mai Tinh Lợi (Hải Dương), cho biết với những lao động đang làm việc ở tỉnh xa như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM về miền Bắc ăn tết, hay những lao động ở miền núi phía bắc đang làm việc ở Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… chi phí đi lại là một khoản tiền không nhỏ. Vì vậy, bà Tâm kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ NLĐ ở tỉnh xa về quê ăn tết.
Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn đang cố gắng xoay xở thưởng tết cho NLĐ. Ông Hồ Sỹ Lĩnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), cho hay dù tình hình sản xuất kinh doanh đúng là khó khăn hơn các năm trước, công ty vẫn cố gắng thưởng tết như năm ngoái. Ngoài được thưởng tháng lương thứ 14, NLĐ còn được tặng một gói quà tết. Những lao động ở tỉnh xa trên 100 km sẽ được công ty bố trí xe đưa về quê. NLĐ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được thêm tiền hỗ trợ từ phía công đoàn. “Trong giai đoạn khó khăn này, chúng tôi càng phải sát cánh cùng NLĐ, giúp họ yên tâm sản xuất, cống hiến chính là góp phần vào sự phát triển bền vững của mỗi DN”, ông Lĩnh bày tỏ.
Ông Đinh Quang Dương, Giám đốc khối sản xuất Công ty TNHH Yamaha motor VN (Hà Nội), cho biết tuy tình hình sản xuất không như kỳ vọng nhưng công ty vẫn đảm bảo công việc ổn định cho NLĐ, chưa cắt giảm nhân sự. Công đoàn cũng đã động viên NLĐ yên tâm làm việc, đồng thời sớm đàm phán với lãnh đạo công ty để có thể điều chỉnh mức thưởng tết cao hơn năm ngoái giúp NLĐ bớt gánh lo cuối năm.
Phòng ngừa vấn đề phát sinh
Các cấp chính quyền và doanh nghiệp đang nỗ lực bảo đảm lương thưởng cuối năm cho người lao động |
phạm hùng |
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng: “Bức tranh thưởng tết năm nay có cả gam màu tối lẫn gam màu sáng. Mức lương, thu nhập của NLĐ có thể thấp, nhưng vẫn nên thưởng tết cho NLĐ, nhất là năm nay tết âm và tết dương gần nhau, DN có thể thưởng chi trả một lần. Mức thưởng nhiều hay ít còn do phía công đoàn đàm phán”. Theo bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới chủ sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại - công nghiệp VN (VCCI), dù thời điểm này chưa thống kê đầy đủ, nhưng nhiều DN đã khẳng định dù ít hay nhiều vẫn cố gắng duy trì thưởng tết cho NLĐ.
Ngày 30.11, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN (LĐLĐ VN) lần thứ 31 (khóa XII), việc tổ chức tốt kế hoạch chăm lo cho đoàn viên và NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán 2023 cũng được đặt ra với mục tiêu không để NLĐ nào không có tết. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ VN, từ cuối tháng 10, Tổng LĐLĐ VN đã ban hành kết hoạch chăm lo tết cho NLĐ với trọng tâm là việc đại diện chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên, NLĐ. Bên cạnh các hoạt động tổ chức thăm hỏi, chúc tết NLĐ, công đoàn các cấp cần quan tâm đến chăm lo cho đối tượng khó khăn, nhất là NLĐ thiếu việc làm, nghỉ việc; chăm lo tốt vấn đề đưa công nhân về quê ăn tết.
Về vấn đề tiền lương, thưởng tết cho NLĐ, Tổng LĐLĐ VN yêu cầu công đoàn cơ sở kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp tết; tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp tết. “Tổng LĐLĐ VN đề nghị công đoàn cơ sở, cấp trên cơ sở vận động các tổ chức, DN, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, đặc biệt là người sử dụng lao động trực tiếp ủng hộ các nguồn lực để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho đoàn viên, NLĐ. Đối tượng được ưu tiên quan tâm đặc biệt là đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, thiên tai, bão lũ; đoàn viên, NLĐ thiếu, mất việc làm…”, ông Hải nói.
Ngành đường sắt hồi sinh, cảnh giác vé tàu giả mùa Tết |
Huy động nguồn lực chăm lo tết cho người có hoàn cảnh khó khăn
Sáng 30.11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ VN, làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Hội triển khai một số nhiệm vụ an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán 2023. Đánh giá cao Hội Chữ thập đỏ có thực hiện Phong trào Tết Nhân ái dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều, Hội cần có chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể, vừa đảm bảo có được sự ủng hộ của các cấp bộ, ngành và địa phương, vừa huy động được nguồn lực xã hội chăm lo tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…
TTXVN
Bình luận (0)