Cần hơn 34 nghìn tỉ đồng để đổi mới giáo dục phổ thông

14/04/2014 11:40 GMT+7

(TNO) 34.275 tỉ đồng là số tiền dự kiến sẽ đầu tư cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 mà ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố.

>> Đổi mới sách giáo khoa: Không thể làm theo kiểu rề rà
>> Lập Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục
>> Trao đổi kinh nghiệm về đổi mới giáo dục
>> Thử nghiệm đề án đổi mới giáo dục từ năm 2014
>> Đề án đổi mới giáo dục: Thiếu nội dung xứng tầm

Sáng nay 14.4, Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015. Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đặc biệt quan tâm đến tính khả thi của đề án, những điều kiện về nguồn lực giáo viên và cơ sở vật chất phải đầu tư cho Đề án này.

 Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cần hơn 34 nghìn tỉ đồng
Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sẽ cần hơn 34 nghìn tỉ đồng - Ảnh: Ngọc Thắng

“Cần bao nhiêu kinh phí để thực hiện Đề án này”, đó là câu hỏi đầu tiên được bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt ra với lãnh đạo ngành Giáo dục - Đào tạo.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo trả lời: tổng kinh phí mà Bộ GD-ĐT dự kiến bước đầu là 34.275 tỉ đồng, chưa kể số tiền phải đầu tư mang tính trọng điểm vào những cơ sở còn đặc biệt khó khăn về cơ sở vật chất.

Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa

Cũng theo ông Nguyễn Vinh Hiển, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 sẽ theo hướng: Toàn quốc thống nhất một chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Các trường phổ thông xây dựng chương trình giáo dục dựa trên chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia quy định mục tiêu, chuẩn đầu ra, nội dung giáo dục bắt buộc đồng thời hướng dẫn các nội dung giáo dục mở rộng (cùng với thời lượng) để các trường vận dụng xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện của mình.

Ông Nguyễn Vinh Hiển cũng đề xuất: Bộ Giáo dục - Đào tạo biên soạn đủ một bộ sách giáo khoa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa hoặc các cuốn sách giáo khoa khác. Tất cả sách giáo khoa phải được Bộ Giáo dục - Đào tạo thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Để thực hiện được nhiều bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho hay: sẽ công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, sẽ phát triển các loại tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng sự đa dạng vùng miền; đặc biệt chú trọng các tài liệu hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.

Từng bước biên soạn, thử nghiệm và sử dụng sách giáo khoa điện tử ở những nơi đã có đủ điều kiện.

Chương trình mới dự kiến được xây dựng theo hướng tăng cường tích hợp ở cấp Tiểu học và cấp Trung học cơ sở, phân hóa rõ dần từ cấp Tiểu học đến cấp Trung học cơ sở và sâu hơn ở cấp Trung học phổ thông.

Ở cả ba cấp học, các môn học và hoạt động giáo dục đều phải quán triệt quan điểm tích hợp. Cấp Tiểu học và cấp Trung học cơ sở xây dựng một số môn học tích hợp các mạch kiến thức theo các lĩnh vực liên ngành.

Cấp Trung học phổ thông thực hiện phân hóa bằng tự chọn, chương trình có một số ít môn học bắt buộc và có nhiều môn học, chuyên đề học tập tự chọn đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, kỹ năng, năng khiếu, tiếp cận nghề nghiệp của học sinh.

Hoàn thành vào 2023

Lần lượt thực hiện chương trình sách giáo khoa mới trên phạm vi toàn quốc theo cả ba cấp học, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; đến năm học 2020-2021 (đối với cấp Trung học phổ thông), năm học 2021-2022 (đối với cấp Trung học cơ sở) và năm học 2022-2023 (đối với cấp Tiểu học) đều thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới ở lớp cuối của mỗi cấp học.

Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới đối với cơ sở giáo dục phổ thông.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.