Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra và hủy bỏ lễ vinh danh này như hồi tháng 11.2015, Bộ VH-TT-DL dừng chương trình “Vinh danh nghệ nhân văn hóa dân gian” vì đã kêu gọi các nghệ nhân đóng tiền để được vinh danh.
Bản đề mô chương trình lễ vinh danh giá ...22 triệu đồng/người |
Cho đến tận những năm tháng này mà vẫn còn cái thói đi lừa người háo danh để lấy tiền. Nhưng lần này lại là lừa đúng các nhà khoa học, nên họ phản ứng. Là tôi đang nhắc tới vụ việc trên báo Thanh Niên đăng, mời các nhà khoa học, mỗi người nộp 22 triệu để UNESCO Việt Nam vinh danh.
Trước đấy vài tháng, Quảng Bình đã cương quyết khước từ việc nộp tiền để một tổ chức ất ơ nào đó vinh danh hệ thống hang động của mình, bởi nó đã là kỳ quan rồi, đã chính danh rồi thì cần gì những thứ phù phiếm ấy.
Nhưng ngược lên trước đấy một thời gian, thì đã từng toàn dân ta cắm cúi nhắn tin bình chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan theo lời mời của một trang web cũng ất ơ nào đó.
Cái thói háo danh rất lạ, nó chả chừa ai. Nhưng cũng nể, là có những người vượt lên trên được cái thói háo danh thông thường ấy, để… kinh doanh nó.
"Vinh danh nhà khoa học giá 22 triệu đồng" chắc chắn là cú áp phe, nhưng ngay lập tức đã bị các nhà khoa học được mời phản ứng. Nhớ hồi nào, có tổ chức nào đó ở nước ngoài cũng hay gửi thư mời cho các cá nhân, là muốn được in tên trong cuốn sách mấy trăm nhân vật nổi tiếng thế giới thì đóng tiền vào. Thế mà khối bác lấy đấy làm vinh dự tự hào, thi thoảng kín đáo khoe: đã từng được tổ chức này nọ quốc tế vinh danh là một trong mấy trăm người nổi tiếng thế giới…
Rồi có vài bác chả phải giáo sư, nhưng “bị” người đời quen miệng gọi là giáo sư, các bác cũng chả phản ứng gì, thậm chí “quên mất” nên hồn nhiên in cả vào sách mình là giáo sư…
Cái món kỷ lục các loại của nước ta thi thoảng vỡ oàng ra cũng là một dạng háo danh, mà mới nhất là cái bánh chưng dâng tổ 2,5 tấn. Khổ, bánh chưng thế thì làm sao tổ nuốt mà cứ cố sống cố chết làm, khi bị dư luận phản đối vẫn khư khư “đấy là cái tấm lòng của chúng tôi với tổ”.
Lâu nay chúng ta bị nhiễu danh hiệu. Lâu lâu lại thấy trực tiếp trên truyền hình quốc gia các lễ vinh danh, hỏi ra thì biết, phần lớn là phải… nộp tiền. Thế nên trong cái lễ cũng gọi là vinh danh mới đây, một ông thầy bói ở Đăk Lăk cũng lừng lững lên tivi vinh danh.
Có mấy điều kiện để các nhà tổ chức có thể "trục lợi" từ những người háo danh, đó là có sự có mặt của lãnh đạo cấp cao và sự tham gia "tiếp tay" của truyền hình trực tiếp… Khổ thân cả lãnh đạo và đài truyền hình nhiều khi bị lôi vào vòng lừa đảo mà không biết. Đặc biệt, có những doanh nghiệp, cá nhân sẵn sàng bỏ tiền ra mua danh, rồi lại đem danh đó đi trục lợi...
Cũng không thể ngày một ngày hai mà loại được ngay các món lừa này, bởi như đã nói, thói háo danh nó khu trú trong từng con người, chỉ chờ cơ hội là bùng phát. Lạy trời, một ngày nào đó, người ta phát minh ra được loại vắc xin chống virus háo danh này… Nhưng trước hết, đề nghị cơ quan hữu trách liên quan, cụ thể là Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam hủy bỏ ngay lễ vinh danh này.
Bình luận (0)