Cần minh bạch vấn đề thua lỗ của EVN

17/04/2023 06:29 GMT+7

Tập đoàn Điện lực VN (EVN) báo lỗ hơn 26.000 tỉ đồng cho cả năm 2022 và tiếp tục lỗ trong quý 1/2023 nên đang chờ được phê duyệt tăng giá điện. Điều lạ lùng là trong năm vừa qua, hầu hết các công ty điện trên cả nước, thậm chí cả những công ty con của EVN, đều báo lãi lớn.

Điện sinh hoạt gánh cho sản xuất ?

Công bố từ kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện trong 2 năm 2021 - 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh; năm 2022 tăng 9,27% lên 2.032,26 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân của EVN là hơn 1.864 đồng/kWh. Vì vậy theo EVN, cứ 1 kWh điện bán ra thấp hơn 10,57%, tương đương 200 đồng, so với giá thành sản xuất kinh doanh điện. Nhưng trên thực tế, giá bán điện của EVN không chỉ có một giá bình quân mà có rất nhiều mức khác nhau. 

Thậm chí, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho các gia đình được tính theo lũy tiến lên đến 6 bậc, từ 1.678 - 2.927 đồng/kWh. Trong đó, điện sinh hoạt từ bậc 3 (từ 101 - 200 kWh) đã có giá 2.014 đồng/kWh - là chỉ số điện có đông gia đình sử dụng nhất cao hơn giá bán lẻ điện bình quân; từ 300 - 400 kWh giá vọt lên 2.834 đồng/kWh…

Cần minh bạch vấn đề thua lỗ của EVN - Ảnh 1.

EVN liên tục báo lỗ lớn trong khi nhiều công ty điện, công ty con vẫn báo lãi

NGỌC THẮNG

Bên cạnh đó, EVN cũng bán điện cho nhiều đối tượng với nhiều giá khác nhau. Cụ thể, giá bán điện cho ngành sản xuất từ 970 - 2.759 đồng/kWh tùy vào khung giờ thấp điểm hay cao điểm. Tính ra, giá bán lẻ điện kinh doanh thấp nhất chỉ bằng 1/2 giá bán lẻ điện bình quân, giá tại giờ bình thường thấp hơn giá bình quân và giá cao nhất gấp 1,5 lần giá bán lẻ bình quân.

Kế đến là nhóm khách hàng kinh doanh có giá bán điện từ 1.361 - 4.587 đồng/kWh. Nhóm khách hàng cuối cùng là khối hành chính, sự nghiệp (bệnh viện, chiếu sáng công cộng…) sẽ trả tiền điện với giá dao động từ 1.659 - 1.902 đồng/kWh. Ngoài ra, nhiều khu dân cư, trung tâm thương mại, chợ mua điện từ EVN theo giá sỉ và phân phối lại cho dân cư cũng sẽ có các giá khác nhau.

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM, nhận định chính sách bán điện thấp hơn giá thành, đặc biệt bán cho khu vực sản xuất, kinh doanh… "một cách bất thường" đã gây nên hệ lụy dai dẳng, khó gỡ mà thiệt hại người dân phải gánh chịu. Cụ thể, với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh, theo báo cáo từ EVN thì người dân đang được "bù lỗ" gần 200 đồng/kWh, nhưng giá bán lẻ điện bình quân cho khu vực sản xuất tại khung giờ bình thường chỉ 1.536 đồng/kWh. Như vậy, người dân sử dụng điện sinh hoạt đang bù lỗ nhiều hơn cho khối doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Vì sao lại có giá điện thấp cho khối doanh nghiệp? Chính việc bán điện dưới giá thành là một trong những nguyên nhân khiến ngành điện phải tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt để bù lỗ. Cần lưu ý, lượng điện tiêu thụ dành cho sản xuất kinh doanh còn cao hơn điện thương phẩm phục vụ sinh hoạt. Số hộ sử dụng điện sinh hoạt trên 600 kWh (bậc tính giá điện cao nhất, gần 3.000 đồng/kWh) trở lên tuy chiếm tỷ lệ thấp nhưng tổng sản lượng tiêu thụ của khách hàng nhóm này rất cao, ước hơn 10% tổng lượng điện phục vụ sinh hoạt. Thế nên cần làm rõ giá điện bình quân tăng, trong đó có hay không tình trạng giá điện sinh hoạt "gánh" cho giá điện sản xuất, đặc biệt khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Cần minh bạch vấn đề thua lỗ của EVN - Ảnh 2.

Đồ họa: Hồng Sơn

Công ty con của EVN đồng loạt lãi lớn

Đáng nói, theo công bố từ Bộ Công thương, trong khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng của năm vừa qua vẫn còn các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. Đó là các khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện từ năm 2019 - 2022 khoảng hơn 14.700 tỉ đồng. Như vậy nếu cộng khoản này thì số lỗ của EVN sẽ còn cao hơn.

Trái ngược với tình trạng thua lỗ nặng nề của EVN, hầu hết các công ty thủy điện, nhiệt điện đều có một năm "bội thu", tăng trưởng cao so với năm 2021.

Câu chuyện thua lỗ của EVN đã diễn ra nhiều lần trong khi các công ty điện vẫn liên tục báo lãi. Chi phí sản xuất, hoạt động vẫn cần công khai, minh bạch, nhất là khi EVN đề xuất tăng giá điện bán lẻ. Giá điện tăng ảnh hưởng đến đời sống của toàn dân và cả nền kinh tế nên người dân muốn hiểu rõ câu chuyện là điều tất yếu.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Có thể kể đến như Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã kết thúc năm 2022 với doanh thu thuần 3.084 tỉ đồng, tăng trưởng 91% so với năm 2021 và vượt hơn 52% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty đạt 1.264,8 tỉ đồng, vượt 40,8% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3 lần mức lãi của năm trước đó. Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng ghi nhận tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 53,54%. Hiện Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) là công ty con của Tập đoàn EVN nắm giữ gần 31% vốn tại Vĩnh Sơn - Sông Hinh.

Hay Công ty CP thủy điện Thác Bà cũng có 30% vốn của EVNGENCO3 báo đạt doanh thu hơn 742 tỉ đồng, tăng 44,2% và lợi nhuận sau thuế lên đến hơn 378,7 tỉ đồng, tăng 80,8% so với năm 2021… Đáng chú ý biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thủy điện đều tăng cao, hầu hết đạt từ 40% trở lên.

Không thuận lợi như thủy điện với lượng nước lớn đổ về trong năm qua nhưng các công ty nhiệt điện cũng báo lãi khủng. Ví dụ Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh đạt doanh thu thuần 10.417 tỉ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 760 tỉ đồng, tăng 32% so với năm 2021 đồng thời vượt 76% kế hoạch cả năm. Hiện Tổng công ty Phát điện 2 thuộc EVN sở hữu 40% vốn tại công ty này…

Thậm chí, những công ty phát điện là công ty con được hạch toán vào báo cáo của Tập đoàn EVN cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khá cao. Điển hình, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) công bố cả năm 2022 đạt doanh thu thuần hợp nhất 47.287 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2021; lãi sau thuế đạt gần 2.550 tỉ đồng, tăng gần 30% so với kế hoạch năm.

Tương tự, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) công bố năm vừa qua đối mặt nhiều thách thức như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; diễn biến thời tiết, thiên tai không theo quy luật tự nhiên, khó dự đoán... nhưng công ty đã đạt và vượt mọi chỉ tiêu kinh doanh. 

Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2022, EVNGENCO 2 đặt kế hoạch đạt sản lượng gần 1,6 tỉ kWh; tổng doanh thu hơn 4.228 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.094 tỉ đồng. Kết quả hoạt động cả năm 2022 công ty chưa công bố nhưng báo cáo tài chính quý 3/2022 cho thấy tính đến hết tháng 9.2022, EVNGENCO2 đã đạt doanh thu thuần tổng cộng hơn 18.142 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 3.668 tỉ đồng, gần gấp đôi kế hoạch đặt ra…

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, đặt vấn đề trong khi các công ty con, công ty thành viên từ sản xuất đến truyền tải điện đều báo lợi nhuận tăng cao trong năm vừa qua thì người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao công ty mẹ là EVN lại thua lỗ? Khoản lỗ đó đến từ đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Hay cái này chủ yếu thuộc về mặt quản lý? Những câu hỏi này cần được làm rõ trước khi chính thức tăng giá điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.