Minh định các chi phí làm tăng giá điện
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng khi trong một hệ sinh thái lại có doanh nghiệp (DN) này lãi đậm, DN khác lỗ nặng thì cần xem xét lại thật kỹ. Trước khi tăng giá điện, cần làm rõ một số nguyên nhân buộc phải tăng giá điện. Trong đó, yếu tố cần xem xét đầu tiên là khoản lỗ của ngành điện hơn 26.000 tỉ đồng là lỗ trên sổ sách hay thực lỗ. Đến nay, có nhà máy điện nào của EVN có thể hết thời hạn khấu hao nhưng thực tế vẫn đang được tính khấu hao vào giá thành không? Năm qua, ngành điện lỗ nặng nhưng các công ty điện trong chuỗi giá trị được niêm yết trên sàn chứng khoán lại có lãi lớn. Vậy có việc điều phối lợi ích cho các công ty con, đẩy lỗ lớn cho công ty mẹ hay không?
TS Nguyễn Quốc Việt phân tích, về bản chất, nhiều công ty sản xuất điện hoặc nhóm các công ty cung ứng vật tư, thiết bị, xây lắp… trước đây thuộc EVN thì nay đã cổ phần hóa nhưng vẫn còn một phần vốn của EVN trực tiếp hay gián tiếp thông qua các công ty phát điện sở hữu? Lỗ vì giá than, vì chi phí đầu vào sản xuất, đầu tư xây dựng tăng là đúng, nhưng trong khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng này, cần minh định rõ về năng lực quản lý, tính dự báo của DN. Công tác đàm phán mua điện của các nhà cung cấp khác của EVN trước đây thế nào?
"Như vậy, có hay không nghi vấn chuyển giá trong hệ sinh thái điện cũng cần làm rõ trước khi tăng giá điện. Người dân ủng hộ giá điện tăng nếu các yếu tố đầu vào được minh bạch hơn. Ngoài ra, về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) liên quan giá điện, thế giới nay thay đổi nhiều, điển hình là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Do vậy cũng cần phải xem xét tính công bằng và phù hợp thông lệ quốc tế khi cân nhắc các chính sách giá điện ưu đãi cho khu vực sản xuất nói chung, FDI nói riêng", TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Biểu giá bậc thang đã lỗi thời
Ngoài việc yêu cầu làm rõ những yếu tố làm tăng giá điện, nhiều chuyên gia cũng đề nghị cách tính giá điện bán lẻ giữa các nhóm đối tượng cũng cần thay đổi. Một chuyên gia về tài chính tại TP.HCM nêu vấn đề: thành công của EVN là đã đưa điện đến cho người dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng các mức giá điện bán ra đến nay không còn phù hợp nữa.
"Nếu như trước đây khi nguồn cung điện còn ít, nhà nước muốn ưu tiên điện năng cho hoạt động sản xuất thì hiện nay có còn thiếu điện hay không? Tại sao vẫn duy trì giá điện sinh hoạt bậc thang? Cơ cấu giữa các bậc của biểu giá điện sinh hoạt còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu của các hộ gia đình hay chưa?", vị này nêu.
TS Nguyễn Trung Nhân, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nói rằng biểu giá điện hiện hành với 6 bậc hiện nay có 2 bậc đầu tiên với giá thấp nhằm hỗ trợ người nghèo sử dụng ít điện năng. Nhưng bậc đầu tiên chỉ từ 0 - 50 kWh liệu có còn phù hợp hay không? Ví dụ, với một căn phòng trọ nhỏ ở TP.HCM dành cho 2 công nhân thuê, chỉ có quạt máy, nấu ăn bằng bếp điện thì chỉ số tiêu thụ mỗi tháng đều lên gần 150 kWh và có khi vượt mức này. Do vậy, EVN cần công bố hiện có bao nhiêu công tơ điện hay hộ gia đình đang hưởng được mức giá thấp ở bậc 1 - 2 (từ 0 - 100 kWh)? Số sử dụng trên 100 kWh là bao nhiêu hộ?
"Những người sử dụng nhiều điện là có thu nhập cao hơn thì họ cũng sẵn sàng trả chi phí cao hơn để "bù" cho người thu nhập thấp với giá thấp, nhưng vẫn cần được biết số liệu công khai, chi tiết hơn. Do đó cần phải điều chỉnh lại biểu giá điện sinh hoạt như gom bậc 1 và 2 thành bậc 1 với số sử dụng từ 0 - 100 kWh, sau đó nâng số điện tiêu thụ của các bậc tiếp theo tương ứng", ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Nhân, việc EVN bán giá điện bình quân cho công ty sản xuất thấp hơn giá bình quân hộ gia đình là hoàn toàn vô lý, không nhân văn. Điện là nhu cầu cơ bản của người dân, tại sao lại để người dân hay thông qua tiền thuế của người dân "bù" cho các DN sản xuất? Chưa kể, hiện các khu công nghiệp mua điện của EVN và phân phối lại cho DN với giá cao hơn nhiều thì đơn vị sản xuất cũng chấp nhận. Với DN, quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm, dịch vụ phải đảm bảo ổn định, bởi thực tế họ cũng sẽ tính đủ chi phí đầu vào và giá bán đầu ra vẫn đủ để có lợi nhuận. Nhìn tổng quan chỉ có một số DN sản xuất đặc thù như ngành thép thì giá điện sẽ chiếm tỷ lệ cao trong chi phí sản xuất. Còn với những công ty như da giày, dệt may, gỗ hay thương mại dịch vụ thì giá điện cũng chỉ chiếm tối đa từ 10 - 15% chi phí sản xuất.
TS Nguyễn Quốc Việt nói thẳng, cơ chế giá bán điện sinh hoạt hiện theo 6 bậc là quá lạc hậu, thậm chí Bộ Công thương đã có dự thảo tính biểu giá điện đơn giản hơn, xuống 4 - 5 bậc, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Thế nên căn cơ hơn phải thay đổi cách áp giá điện theo các nhóm khác nhau, thu hẹp lại các nhóm quá rộng và làm rõ yếu tố "bù chéo" giá điện đã xảy ra lâu nay, đó là người sử dụng điện nhiều trả cho người sử dụng ít, người dân trả bù điện cho sản xuất.
Sản xuất của khối DN nước ngoài tại VN rất lớn, đặc biệt ngành luyện kim tiêu thụ điện rất nhiều, chúng ta đang bán điện giá rẻ cho khu vực đó. Thế nên, khi điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện cần xem xét tới yếu tố này để có mức tăng phù hợp cho từng nhóm khách hàng, thay vì điều chỉnh dựa theo mức giá bán lẻ bình quân.
Vì vậy, EVN cần phải xem xét điều chỉnh giá bán điện cho khối sản xuất hợp lý, công bằng với hộ gia đình. Tăng giá điện cũng là một giải pháp để các DN phải tìm cách thay đổi công nghệ để ít tiêu hao năng lượng hay đầu tư năng lượng sạch. Ngoài ra, trong khi các công ty sản xuất điện, phân phối điện đều báo lãi nhưng EVN vẫn lỗ lớn thì câu chuyện nằm ở chỗ truyền tải điện, quản lý chi phí đầu vào lẫn giá đầu ra và hoạt động của DN phải được chấn chỉnh.
"Việc công bố chính sách có liên quan đến toàn dân, liên quan đến nền kinh tế như tăng giá điện thì cần có những công bố với số liệu chi tiết, cụ thể và minh bạch. Điều đó sẽ tạo ra sự đồng thuận của người dân hơn", ông Nguyễn Trung Nhân nhấn mạnh.
Biểu giá điện cần thay đổi theo hướng dễ hiểu hơn biểu giá hiện hành. Trong đó, cơ cấu tiêu dùng điện của đại bộ phận người tiêu dùng trong xã hội phải phù hợp hơn. Vừa qua, các phương án biểu giá điện được Bộ Công thương đề xuất theo 5 bậc là vừa, bởi nó phù hợp với số hộ sử dụng điện chiếm hơn 91% sẽ không tăng so với cách tính 6 bậc. Dù vậy, các bậc của giá điện cũng cần được rà soát, làm rõ hơn về khoảng cách giá giữa các bậc thang, về đối tượng trả tiền…
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN
CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 19.4: Nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với máy điều hòa nhiệt độ? | Giảm thuế VAT xuống 8%
Bình luận (0)