Cần minh bạch vấn đề thua lỗ của EVN

Sao giá điện sản xuất thấp hơn sinh hoạt?

18/04/2023 04:11 GMT+7

Giá bán lẻ điện cho doanh nghiệp tại Việt Nam đang thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân bán cho hộ gia đình. Có phải chúng ta đang bán điện giá rẻ cho doanh nghiệp mà đa số là doanh nghiệp nước ngoài?

Giá điện sản xuất tại Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực

Nếu so sánh giá bán lẻ điện bình quân hiện tại hơn 1.864 đồng/kWh, giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất đối với cấp điện áp từ 110 kV trở lên vào khung giờ thấp điểm chỉ bằng 52% giá bán lẻ bình quân, giờ bình thường bằng 82% và giờ cao điểm bằng 148%. Nếu bán lẻ điện cho sản xuất với điện áp dưới 6 kV, mức giá bán lẻ lần lượt bằng 65%, 90% và 165% so với giá điện bình quân. Tương tự, giá bán lẻ điện kinh doanh thấp nhất bằng 73% (khung giờ thấp điểm), cao nhất bằng 228% (giờ cao điểm) so giá bán lẻ bình quân.

Sao giá điện sản xuất thấp hơn sinh hoạt ?  - Ảnh 1.

Giá điện bán cho khu vực sản xuất đang thấp hơn giá bình quân điện sinh hoạt

PHẠM HÙNG

Theo trang tin Globalpetrolprices, tại các nước trong khu vực và cả châu Á, giá điện dành cho doanh nghiệp (DN) của Việt Nam đang ở mức khá thấp so với các nước đang có chính sách thu hút đầu tư tương đương Việt Nam. Cụ thể, giá điện bình quân cho DN tại Việt Nam chỉ khoảng 1.772 đồng/kWh, thấp hơn giá điện bình quân của cả nước đang áp dụng là 1.864 đồng/kWh và thấp hơn nhiều nước trong khu vực. 

Cụ thể, giá điện bán cho DN tại Malaysia bình quân khoảng 2.362 đồng/kWh, Thái Lan khoảng 2.832 đồng/kWh, Philippines khoảng 2.535 đồng/kWh... Hay như Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới này đang có giá điện sinh hoạt bình quân tương đương Việt Nam, nhưng điện bán lẻ cho DN cao hơn Việt Nam khoảng 400 đồng, tính toán của trang Globalpetrolprices tương đương 2.179 đồng/kWh. Tính trong khu vực, chỉ có giá điện bán lẻ cho DN tại Indonesia thấp hơn Việt Nam với giá khoảng 1.753 đồng/kWh.

Giá điện bán lẻ cho DN cao hơn Việt Nam, nhưng giá điện bình quân tại hộ gia đình của nhiều nước nói trên thấp hơn giá ở Việt Nam hoặc tương đương. Cụ thể, cũng theo trang này, giá điện tại Trung Quốc dành cho hộ gia đình áp dụng từ tháng 3.2022 khoảng 1.907 đồng/kWh, tại Malaysia khoảng 1.173 đồng/kWh, tại Ấn Độ khoảng 1.740 đồng/kWh… đều thấp hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, điện bán lẻ sinh hoạt tại Thái Lan khoảng 2.880 đồng/kWh, Campuchia 3.588 đồng/kWh… cao hơn giá bình quân tại Việt Nam. Hiện trong khu vực ASEAN, Lào là quốc gia có giá điện thấp nhất khu vực, tuy nhiên, quốc gia này có tới 70% điện năng sản xuất từ thủy điện và khoảng 25% từ nhiệt điện than.

Trong thực tế, giờ cao điểm tính trong giá bán lẻ điện cho sản xuất rơi vào 2 khung giờ là từ 9 giờ 30 - 11 giờ 30 (2 tiếng) và từ 17 - 20 giờ. Nhà máy thường sản xuất rơi vào 2 giờ cao điểm trong ngày, còn lại là giờ bình thường (thấp hơn giá bán lẻ bình quân). GS-TSKH Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam, lý giải chính sách giá điện bán cho sản xuất thấp hơn giá điện bán lẻ sinh hoạt được nhiều quốc gia áp dụng. Chính sách này cũng nằm trong các chính sách phát triển kinh tế từ trước của Việt Nam là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, giảm giá thành sản xuất hàng hóa, tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư. Giá đầu vào sản xuất, trong đó có giá điện thấp, sẽ là lợi thế cho DN, giảm giá thành sản phẩm và có thể cạnh tranh tốt khi ra thị trường quốc tế.

Thế nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bao năm qua vẫn phụ thuộc khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm hơn 70%. Như vậy, chính sách ưu đãi giá điện cho sản xuất của Việt Nam chủ yếu ưu đãi cho DN FDI làm hàng xuất khẩu. Thế nên, GS Long cho rằng, xu hướng phát triển đã có nhiều thay đổi, chính sách về giá điện cho sản xuất cần xem xét lại phù hợp hơn. Bởi trong thực tế, Việt Nam từng thu hút FDI bằng miễn thuế, giảm tiền thuê đất… nay thu hút FDI thế hệ mới đã thay đổi, giảm dần ưu đãi thuế. Vì vậy, chính sách về giá điện cho sản xuất, mục đích thu hút đầu tư hay giúp DN cạnh tranh tốt… cần xem lại.

Tăng giá điện sản xuất, giảm bậc giá điện sinh hoạt

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nói thẳng, một trong số những vấn đề bất hợp lý xoay quanh câu chuyện giá điện là hiện giá bán điện sinh hoạt bình quân cho các hộ gia đình cao hơn giá bán cho DN. Đây có thể là lý do gây lỗ lớn thời gian qua của EVN. "Giá điện bình quân cho tất cả các đối tượng trên cả nước từ tháng 3.2019 là 1.864,44 đồng/kWh, nhưng EVN đang bán lỗ cho sản xuất với giá hơn 1.500 đồng/kWh không phải giờ cao điểm. Giờ thấp điểm bán cho sản xuất chỉ có 970 đồng/kWh, cao điểm là 2.759 đồng/kWh. 

Trong khi đó, công nghiệp sản xuất sử dụng điện đến 53%, xây dựng sử dụng từ 35% đến 40%. Như vậy, hai ngành này đã chiếm khoảng 90% mức điện tiêu thụ. Bất cập ở đây là hai ngành này có lượng tiêu thụ điện lớn, nhưng lại được mua với giá thấp thì việc thua lỗ của EVN là điều nhìn thấy trước. Các chuyên giá cho rằng, bán giá "mềm" cho sản xuất quá lâu, đặc biệt là thấp hơn giá điện sinh hoạt là một sự bất cập lớn của EVN", ông Phú phân tích.

Nên điều chỉnh giá bán điện cho khối sản xuất lên ngang bằng các nước trong khu vực

TS Huỳnh Thanh Điền nêu quan điểm: "EVN chỉ cần điều chỉnh giá bán điện cho khối sản xuất lên ngang bằng các nước trong khu vực và điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào VN. Hơn nữa, hiện nay nhiều DN, tập đoàn lớn đều có xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, hạn chế xả thải ra môi trường. Đó là tự đầu tư hệ thống điện mặt trời, điện gió để phục vụ cho chính họ. Việc nâng giá bán điện lên cao hơn hiện nay cũng là một cách để thúc đẩy các DN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này".

Quan trọng hơn theo ông Phú, có phải chính sách giá bán điện cho khối công nghiệp sản xuất mà chủ yếu các DN FDI thấp hơn là để khuyến khích thu hút đầu tư hay không? Liệu chính sách này có theo văn bản nào không? Bên cạnh đó, cần xem xét lại chính sách giá lũy tiến trong giá điện áp dụng cho các hộ gia đình. Chính sách giá này quá cao, lạc hậu trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ, chúng ta khuyến khích sử dụng xe điện thay xe chạy bằng xăng, dầu để giảm phát thải khí ròng như mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết. Như vậy, các hộ gia đình sẽ phải trả tiền điện rất nhiều khi sử dụng xe điện vì chỉ cần nhích lên hơn 100 kWh là số tiền đã nhảy bậc rất cao. Vì vậy cần phải điều chỉnh theo hướng nâng cao chỉ số sử dụng ở các bậc đầu tiên và tính giá thấp hơn cho các bậc. Bên cạnh đó, giá điện tái tạo thấp nhưng các nhà sản xuất không được tạo điều kiện để kết nối, phát triển. 

"Việc tăng giá điện ảnh hưởng đến toàn dân và cả nền kinh tế. Tôi cho rằng EVN phải có những công bố chi tiết, cụ thể hơn. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước nên hỏi ý kiến rộng rãi hơn như các chuyên gia trước khi tăng giá điện thì mới công bằng, hợp lý", chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.

Đồng tình, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nhận định, giá điện dành cho hoạt động sản xuất của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước. Nếu như EVN không lỗ hay vẫn có lời thì sẽ không bàn đến. Nhưng hiện EVN, tương ứng nhà nước phải lấy ngân sách để bù lỗ thì cũng là từ tiền thuế của người dân. Đó là chưa kể số lượng điện tiêu thụ của các ngành sản xuất kinh doanh chiếm phần lớn nên chăng chỉ cần điều chỉnh, tăng giá bán điện cho khối này là được. Riêng đối với bảng giá điện sinh hoạt, hiện nhu cầu đời sống của người dân cũng tăng lên và các thiết bị gia dụng, sinh hoạt trong gia đình cũng nhiều hơn. Ví dụ ở các thành phố lớn, nhiều hộ gia đình cũng đã chuyển sang sử dụng bếp từ, bếp hồng ngoại, bếp điện… thay cho bếp gas; máy lạnh cũng sắm nhiều hơn nên lượng điện sử dụng phải tăng cao. Trong khi đó, bảng giá điện sinh hoạt lũy tiến đang áp dụng các bậc quá dày, không còn hợp lý nữa, cần phải có sự điều chỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.