Cân nhắc quy định giao UBND tỉnh quyền cho thuê mặt nước biển

06/06/2017 14:08 GMT+7

Đây là quan điểm của cơ quan thẩm tra đối với quy định tại dự án luật Thuỷ sản về việc giao UBND cấp tỉnh thẩm quyền cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản.

Sáng nay, 6.6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án luật Thủy sản (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội.
Đề nghị lập Quỹ bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hỗ trợ xử lý sự cố môi trường
Một trong những điểm mới của dự luật là việc đổi tên Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản (được quy định tại luật năm 2003) thành Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, nhằm mở rộng nhiệm vụ hoạt động của Quỹ.
Dự luật cũng quy định rõ về quỹ cấp tỉnh nhằm tạo sự chủ động cho địa phương trong việc huy động, tiếp nhận các nguồn lực tài chính và thúc đẩy xã hội hóa hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, triển khai kịp thời trong xử lý các sự cố môi trường gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản, khắc phục thiệt hại thiên tai, dịch bệnh thủy sản trên địa bàn.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, dự luật sửa đổi lần này đã luật hóa quy định về kiểm ngư, vì hiện nay kiểm ngư mới được quy định tại văn bản cấp Chính phủ. Theo đó, kiểm ngư cấp tỉnh được thành lập để thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản trên vùng biển ven bờ và vùng lộng, không được trang bị vũ khí quân dụng, không có chức năng điều tra.
Theo tờ trình của Chính phủ,  kiểm ngư T.Ư hiện đang thực hiện quản lý tại vùng biển khơi (xa bờ). Do đó, kiểm ngư tỉnh không chồng chéo về phạm vi hoạt động với kiểm ngư TƯ.
Việc thành lập lực lượng này dựa trên cơ sở bộ máy và phương tiện của thanh tra chuyên ngành nên về cơ bản không làm phát sinh thêm nhân lực và phương tiện. Tuy nhiên, dự kiến sẽ phát sinh ngân sách nhà nước để chi chế độ phụ cấp cho lực lượng này khoảng 9 tỉ đồng/năm.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay, về việc thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, hiện có 3 loại ý kiến khác nhau.
Đa số ý kiến hội đồng thẩm tra ủng hộ quan điểm không thành lập Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, mà cần có chính sách, quy định khuyến khích thành lập và phát triển Quỹ cộng đồng.
Liên quan đến việc giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền này, vì khó khả thi đối với các dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, do đặc thù của mô hình này là xa vùng bờ nên khó kiểm soát và ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, cần có sự đánh giá tổng hợp của các cơ quan chuyên ngành T.Ư. Do vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị đề nghị quy định thẩm quyền giao, cho thuê đối với những trường hợp này cho Chính phủ hoặc cấp Bộ.
Ủy ban này cũng lưu ý cần cân nhắc một số vấn đề về quốc phòng - an ninh tại quy định cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.
Chưa đồng nhất quan điểm thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương
Về lực lượng kiểm ngư, ông Phan Xuân Dũng cho hay quá trình thẩm tra dự luật sửa đổi còn 3 nhóm ý kiến khác nhau.
Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng kiểm ngư T.Ư như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống kiểm ngư cấp tỉnh.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị ngoài lực lượng kiểm ngư T.Ư, cần thành lập thêm hệ thống kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự thảo Luật.
Loại ý kiến thứ ba đề nghị ngoài kiểm ngư T.Ư, tùy vào tính chất đặc thù của từng địa phương mà thành lập thêm kiểm ngư cấp tỉnh, trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản tại địa phương.
Do còn quan điểm khác nhau nên cơ quan thẩm tra đề nghị các vị ĐBQH cho ý kiến về vấn đề này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.