Lăng kính bạn đọc:

Cần nhiều biện pháp để ngăn chặn triệt để lừa đảo

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
02/11/2023 06:01 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng chỉ định danh số điện thoại thì chưa đủ mà cần có thêm nhiều biện pháp khác để ngăn chặn triệt để lừa đảo.

Như Thanh Niên đã thông tin, thống kê cho thấy từ đầu năm 2023 đến nay, các ngân hàng và chi nhánh giao dịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ việc có dấu hiệu lừa đảo thông qua gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua mạng xã hội. Trong đó, riêng các phòng giao dịch và chi nhánh của Ngân hàng Agribank đã ngăn chặn thành công 10 vụ lừa đảo với tổng số tiền lên đến gần 800 triệu đồng.

Cần nhiều biện pháp để ngăn chặn triệt để lừa đảo - Ảnh 1.

Những vụ việc tương tự cũng xảy ra hàng loạt tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, những người bị lừa đảo hầu hết là người cao tuổi, ít có điều kiện tiếp xúc, cập nhật thông tin. Thậm chí có một số trường hợp nạn nhân chỉ sử dụng điện thoại "cục gạch" cũng bị các đối tượng lừa đảo dẫn dụ mua smartphone và làm theo yêu cầu để chuyển tiền.

Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, Bộ TT-TT đã chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho số đường dây nóng của các đơn vị thuộc bộ, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT… Cụ thể, từ nay, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc Bộ là Văn phòng bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện gọi tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân sẽ hiển thị tên định danh "BO TTTT".

Bên cạnh đó, số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng cũng đều hiển thị tên định danh, chẳng hạn như VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone), MobiFone, VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT), LOCAL (nhà mạng ASIM)… Theo Bộ TT-TT, giải pháp này sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo.

Quá ngán ngẩm với điện thoại rác, lừa đảo…

Nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự ngán ngẩm với tình trạng bị sim rác, điện thoại rác, lừa đảo… quấy rầy. BĐ Anh Bảy kể: "Tôi vừa mua cái điện thoại di động, mới cung cấp số điện thoại để bảo hành điện tử thì 5 phút sau là có cuộc gọi đến mời… mua bất động sản, rồi đầu tư chứng khoán… Số điện thoại đó là số tôi mới mua tại nhà mạng 2 ngày, trong gia đình còn chưa biết hết số đó mà "người ta" đã biết để gọi rồi!".

Cùng ý kiến, BĐ Raymond Nguyen cho biết: "Xem ra chặt chẽ là thế, ấy vậy mà không hiểu sao mỗi ngày vẫn bị quấy rối điện thoại không biết bao nhiêu lần. Đã đăng ký vào danh sách không làm phiền các đầu số... nhưng bọn tín dụng đen vẫn thản nhiên gọi mồi chài vay nặng lãi như chưa hề có chuyện gì?".

BĐ Nguyen Minh kể: "Ngày nào tôi cũng nhận được những cuộc gọi quấy rầy, lúc thì nói chỉ cách kinh doanh qua mạng, lúc thì mời chào căn hộ tốt, khi thì bạn có bưu kiện chưa nhận… Có lúc đầu dây anh nọ nói hùng hồn: "Điện thoại của chú chưa hoàn tất thủ tục, sẽ bị cắt 2 chiều trong 2 tiếng nữa. Muốn không bị cắt, chú phải…". Tôi cắt lời, bảo: "Cứ cắt đi em, cắt nhanh nhanh giùm chú", bên kia "tắt đài" luôn! Quá ngán ngẩm luôn!".

Chỉ định danh số điện thoại là chưa đủ

Nói về việc định danh số điện thoại, BĐ Thành Hữu cho biết: "Mình cảm thấy rất bức xúc, ngày nào cũng có cuộc gọi lừa đảo. Chặn số này thì chúng gọi số khác. Đề nghị hiển thị định danh của người gọi đến là rất hợp lý". Cùng quan điểm, BĐ Dân Vạn Đại bày tỏ: "Theo tôi, đơn giản nhất là: thay vì hiển thị số điện thoại gọi đến thì hiển thị họ và tên, địa chỉ người gọi đến (theo đăng ký với nhà mạng). Như vậy thì sẽ hạn chế tối đa cuộc gọi rác và lừa đảo. Chỉ có điều nhà mạng có làm hay không mà thôi!".

Bên cạnh đó, BĐ Hồ Thảo góp ý: "Định danh số điện thoại nhưng vẫn còn sim rác làm phiền. Cần phải có phương án triệt để để hạn chế nạn lừa đảo, đây là mong muốn không chỉ riêng tôi". BĐ Van Dong Nguyen thì lưu ý: "Sim rác tràn lan mà không quản được, giờ lại đi định danh số điện thoại. Sim không xác thực được người đăng ký là thật thì định danh số điện thoại cũng như không".

Cũng bức xúc về nạn sim rác, BĐ Trung Quang cho biết: "Chọn cách định danh nơi gọi, gửi tin nhắn là chọn cách làm dễ. Tại sao không quyết liệt xử lý nhà mạng vẫn để tồn tại sim rác, đó là cái gốc vấn đề. Cần đề phòng bọn lừa đảo cũng sẽ làm được định danh giả để lừa đảo tiếp". BĐ Vietroad cho rằng: "Thế đầu năm đăng ký sim chính chủ để cho vui thôi à? Cứ có gọi lừa đảo thì yêu cầu nhà mạng cung cấp thông tin người gọi. Không cung cấp được thì nhà mạng chịu trách nhiệm liên đới". BĐ Nha Nguyen thẳng thắn: "Cần có chế tài nghiêm khắc cho các nhà mạng không quản lý được sim rác. Cứ phạt thật nặng! Tất cả sim khi kích hoạt đều phải đăng ký căn cước công dân".

Có ý nghĩa gì khi cơ quan điều tra cần thì không biết số điện thoại của ai!! Chỉ cần quản lý tốt việc bán sim sẽ giải quyết 99% nạn lừa đảo qua mạng.

rZ_ukdd27

Không sim rác sẽ hạn chế lừa đảo, nên có biện pháp ngăn ngừa từ gốc.

Danh Do Tran

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.