Sáng 4.11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2025.
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho biết cơn bão Yagi (bão số 3) đi qua với sức tàn phá nặng nề, bão đã để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc. Song với sự quyết liệt lo cho dân của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị, cùng những nghĩa cử cao đẹp, chứa chan tình đồng chí, đồng bào đã làm vơi đi nhiều nỗi đau, mất mát sau bão.
"Mưa bão đã qua đi nhưng tình dân tộc, nghĩa đồng bào và tình người còn ở lại, tạo nên sức mạnh của cả dân tộc ta", bà Thủy nói.
Bà Thủy đánh giá, công tác ứng phó với bão lũ đã được triển khai ở mức cao nhất. Cùng đó, là sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện của cả hệ thống chính trị. Đại biểu đoàn Bắc Kạn nhắc tới các đoàn công tác của T.Ư do trực tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về các địa phương trong ngày bão lũ, đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân và chính quyền nơi đây.
Từ sự chỉ đạo của T.Ư, các ngành, các địa phương đã có kế hoạch và những kịch bản ở mức cao nhất, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc. "Có thể thấy, một không khí khẩn trương, chạy đua với thời gian trong suốt đợt bão lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân", đại biểu nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị cho phép các thủ tục rút gọn, hỗ trợ bà con sau bão Yagi
Bà Thủy cũng nhắc tới sự chấp nhận gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầu. Rất nhiều lực lượng đã cùng vào cuộc, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trở thành điểm tựa vững chắc của nhân dân, nhất là lực lượng quân đội và công an...
"Thiệt hại do cơn bão lịch sử gây ra là không thể tránh khỏi, song với sự chuẩn bị từ sớm và quyết liệt, chúng ta đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại, rủi ro do siêu bão gây ra", bà Thủy nhấn mạnh.
Kết thúc phần phát biểu, nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn đề nghị cần tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, nhất là các địa phương miền núi.
Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão lũ.
"Cần nhìn vào sự thật"
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng "cần nhìn vào sự thật", đó là còn rất nhiều bài học cần rút ra để có thể giảm hơn nữa những mất mát, đặc biệt là con người.
Việc đầu tiên, theo ông Nguyễn Lân Hiếu, là việc phân phối hàng cứu trợ để tránh tình trạng "chỗ cần không có", chỗ lại thừa, thậm chí phải chôn hàng tấn thức ăn vì không kịp phân phát cho người dân.
"Chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin trong xác định nhu cầu thực chất cần cứu trợ là gì, số lượng, thời gian, cách thức đưa hàng cứu trợ đến người dân và địa phương. Việc ứng cứu cũng cần rút kinh nghiệm, sớm có kế hoạch triển khai thành tựu mới về khoa học kỹ thuật hiện đại trong cứu hộ cứu nạn", ông Hiếu nêu.
Việc tiếp theo, theo đại biểu đoàn Đồng Nai, là trồng rừng. "Nếu các vị đại biểu Quốc hội đi bất cứ địa phương nào đều nhận thấy màu xanh của rừng là không bền vững, chủ yếu là keo, bạch đàn, khá hơn một chút là cao su đều là những cây có khả năng giữ đất không cao, với chu kỳ khai thác ngắn nên có khi chỉ 3 - 5 năm đã khiến đồi, núi lại trọc", ông Hiếu nhấn mạnh.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề nghị cần thay đổi cách làm, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để triển khai một kế hoạch trồng rừng theo từng địa phương, từng địa hình, địa lý khác nhau. Nên tăng cường trồng các cây bản địa, những cây lâu năm, nếu vẫn cần phát triển kinh tế - xã hội có thể quy hoạch những vùng trồng cây sản xuất còn phía trên đỉnh núi là những cây lâu năm, bản địa....
Việc thứ ba, theo ông Hiếu, đó là việc khai thác tài nguyên đặc biệt là những đại dự án ở vùng lõi, vùng sinh quyển rất cần rà soát cẩn thận, đánh giá tác động môi trường khách quan, công tâm. Đặc biệt, khi các nhà khoa học môi trường đã lên tiếng, cảnh báo thì phải thận trọng.
"Việc khai thác gỗ tự nhiên cần chấm dứt, tuyên truyền thay đổi sở thích sập gụ, tủ chè, bình hứng lộc làm bằng gỗ nguyên khối của người Việt Nam. Cần nghiêm trị các hành vi phá hoại môi trường cho dù là nhỏ nhất như trồng cây mà vẫn để nguyên bọc, hay cây còn khả năng cứu được lại chặt đi để lấy ngân sách trồng mới...", ông Hiếu nêu.
Bình luận (0)