Cần những nhà chuyên môn góp ý cụ thể

22/06/2022 11:34 GMT+7

Tôi đã đọc bài viết của BS Nguyễn Lân Hiếu nhan đề “Tháo chạy khỏi y tế công”.

Đó là bài viết của một nhà chuyên môn y học có tâm huyết với một đề tài quá nóng hiện nay: việc thiếu thuốc và thiết bị y tế ở bệnh viện (BV) công, và quan trọng hơn, việc những người làm chuyên môn ở các BV công bỏ việc ào ạt để đầu quân vào các BV tư.

Nếu không tìm những biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này, nền y tế công sẽ lâm nguy, vì mục đích phục vụ đại đa số nhân dân khi họ là người bệnh sẽ không thể thực hiện tốt được. Vì ai cũng biết, trong lĩnh vực y tế, yếu tố con người vẫn là quyết định, chứ không phải vật tư y tế, máy móc, kể cả thuốc men là cái hoàn toàn có thể khắc phục nếu có chính sách hợp lý vì người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo, bệnh nhân (BN) phụ thuộc vào bảo hiểm y tế (BHYT), BN mắc những bệnh hiểm nghèo cần chuyên môn cao để chữa trị.

Cuộc “tháo chạy khỏi y tế công” hiện nay khởi đầu từ hai lý do: bác sĩ (BS), y sĩ, hộ lý điều dưỡng các BV công trực tiếp tham gia chống dịch nửa năm trời ở TP.HCM đã quá gian khổ căng thẳng, mà lương lại bị trừ 30% do BV không có lượng BN như khi chưa có dịch, nên thu nhập của người lao động ngành y tế không đủ sống…

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, có nhiều lý do họ nghỉ việc, song sự khắc nghiệt từ Covid-19 chính là giọt nước tràn ly. “Dễ thấy nhất là họ bị kiệt sức sau nhiều tháng tham gia chống dịch nhưng thu nhập quá thấp, không thể trụ được với nghề”, ông nói.

Với những BS giỏi, thì chuyện họ bỏ y tế công để sang các BV tư còn vì nhiều lý do khác ngoài chuyện thu nhập thấp ở BV công, họ còn cảm thấy mình chưa được đối xử đúng với vị thế của người làm chuyên môn giỏi. Chính sách tự chủ BV khiến nhiều BV phải tự lo kinh phí tới mức không chăm lo được cho cán bộ nhân viên của mình, lại thêm những tiêu cực tham nhũng xảy ra khi dịch bệnh đang hoành hành, khiến BS cảm thấy như mình không được tôn trọng đúng mức, nhiều khi danh dự của mình bị tổn thương, dù mình không hề tham nhũng, cũng không dính gì vào các hoạt động nâng khống giá máy móc thiết bị.

Có rất nhiều lý do cho cuộc ra đi ào ạt khỏi y tế công này, nhưng hãy nhìn tới hậu quả sẽ thấy những nguy cơ cho hệ thống BV công là không hề nhỏ. BV công vẫn phải hoạt động như bình thường, số lượng BN ngày một đông hơn, nhưng chất lượng chữa trị sẽ kém hơn do thiếu những BS giỏi. Những BN điều trị sẽ thiếu sự chăm sóc như trước kia BN được nhận từ BV.

Có những mâu thuẫn không thể giải quyết được ấy lại cộng với cơn bão kinh khủng của Covid-19 tràn qua đất nước năm 2021 đã khiến cấu trúc nhân tài vật lực của các BV công bị lung lay dữ dội.

Rất cần những nhà chuyên môn không chỉ trong lĩnh vực y tế mà cả trong lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực chính sách công góp ý cụ thể, nhiệt huyết cho vấn nạn “tháo chạy khỏi y tế công” này, để giải quyết rốt ráo những mâu thuẫn và cả những bế tắc của ngành y tế hiện nay. Chuyện sai phạm, tham nhũng trong ngành y tế phải được giải quyết riêng, còn chuyện làm sao phục hồi nền y tế công để phục vụ nhân dân mới là chuyện thiết yếu hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.