Minh bạch hóa, cứu ngành y sau 'bão' sai phạm

Anh Vũ
Anh Vũ
14/06/2022 05:46 GMT+7

Bịt các lỗ hổng về chính sách ; minh bạch các khoản thu, chi theo yêu cầu; để tự chủ nhưng không thả nổi khung giá bệnh viện tư...là một loạt kiến nghị của các đại biểu Quốc hội để “cứu” ngành y tế đang chao đảo bởi “cơn bão Việt Á” và một loạt sai phạm thời gian vừa qua.

Xã hội hóa, liên doanh cũng “thổi giá”

Thảo luận về luật Khám, chữa bệnh (KCB) sửa đổi ngày 13.6, (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho biết liên doanh, liên kết trong các bệnh viện (BV) công là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước để bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho y tế. Nhờ việc triển khai kỹ thuật cao và áp dụng các trang thiết bị hiện đại đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng KCB, giúp người dân được tiếp cận y tế kỹ thuật cao ngay trong nước mà không cần phải ra nước ngoài…

Hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, đã xin thôi việc cũng có nguyên nhân từ đó và cũng do luật bị thiếu, bị sơ hở, còn lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội vươn lên, họ trục lợi, họ xà xẻo, họ chấm mút, họ chia chác, cơn bão Việt Á đã nổi, người xấu đã và đang bị lôi ra ánh sáng và bị xử lý

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Tuy nhiên, theo ĐB Thủy, vừa qua có tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết đối với những máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế (BHYT). Bên cạnh đó, qua theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế, thấy rằng việc “thổi giá” không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị mà còn được phát hiện cả trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị KCB tại một số BV công lập.

Cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ người dân

Duy Tính

“Có thể lấy ví dụ điển hình như là vụ án tại BV Bạch Mai, đã ký hợp đồng cho phép đối tác đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp hơn 5 lần giá trị thực, từ 7,4 tỉ lên 39 tỉ đồng và đã làm lợi cho một nhóm người, nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân đã sử dụng máy này”, ĐB Thủy dẫn chứng.

Từ đó, ĐB này đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo luật về những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Thứ hai, bổ sung các cơ chế kiểm soát để chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm. Thứ ba, bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện KT-XH khó khăn.

Liên quan giá dịch vụ y tế, theo ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang), dịch vụ KCB là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KCB cần thực hiện theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý về giá. Nhà nước ban hành giá dịch vụ KCB đối với cơ sở KCB công lập và quy định khung giá dịch vụ KCB đối với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa. “Đối với khối tư nhân cần có cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ KCB để đảm bảo quyền của người bệnh. Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác, khi các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua”, ĐB Cầm kiến nghị.

Đại biểu quốc hội trăn trở: "Có những đơn thuốc đắt đỏ khiến bệnh nhân bỏ bệnh viện ra về"

Hàng ngàn cán bộ y tế bỏ việc

Là một bác sĩ, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận xét “cơn bão Việt Á” đang khiến ngành y chao đảo. Hơn 40 năm qua, ông chưa bao giờ thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ, đặc biệt hơn 2 năm đại dịch Covid-19 đã càn quét làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề, yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ thêm tính bất cập của hệ thống pháp luật y tế hiện hành. Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ đã làm ngày, làm đêm bất chấp nguy hiểm khó khăn, mặc dù thù lao đêm trực chống dịch của cán bộ y tế cơ sở chỉ có 18.600 đồng/đêm.

“Hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, đã xin thôi việc cũng có nguyên nhân từ đó và cũng do luật bị thiếu, bị sơ hở, còn lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội vươn lên, họ trục lợi, họ xà xẻo, họ chấm mút, họ chia chác, cơn bão Việt Á đã nổi, người xấu đã và đang bị lôi ra ánh sáng và bị xử lý”, vị ĐB đoàn Hà Nội trăn trở.

ĐB Trí đề nghị trước mắt cần triển khai cho được những nội dung của Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của QH… để mua sắm, để chống dịch, để KCB và cũng để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình; đồng thời phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý bao gồm luật KCB và các luật khác, kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ BV.

Thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, về xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong BV công, dù luật KCB năm 2009 đã có bước chuyển rất lớn, bước ngoặt nhưng đến nay chúng ta mới có 318 BV tư nhân, 38.000 các phòng khám của tư nhân. Số này mới đáp ứng được 5,16% tổng số giường bệnh, đây là một tỷ lệ rất thấp.

Về giá dịch vụ của các BV tư, theo Phó thủ tướng, vẫn đang băn khoăn quy định theo hướng có khung giá hay để các cơ sở tư nhân tự quyết định. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế dù đó là BV công hay tư. Quản lý bằng nhiều công cụ, trước hết các công cụ đã được luật định trong pháp luật về giá. “Chúng ta không buông lỏng nhưng cũng phải để quyền tự chủ cho y tế tư nhân được phát triển tốt hơn”, Phó thủ tướng nói và cho biết thêm mục tiêu đến năm nay lẽ ra phải là 10% số giường bệnh nhưng mới đạt được một nửa. Các chuyên gia nước ngoài khuyến nghị trong vòng khoảng 10 - 20 năm, VN phải cố gắng đạt trên 25% số giường bệnh từ y tế tư nhân.

Về vấn đề liên doanh, Phó thủ tướng cho biết VN là quốc gia duy nhất trên thế giới áp dụng. “Ở các nước thì công là công, tư là tư. Khi đã liên doanh, liên kết với tư nhân nghĩa là anh hạch toán theo tư nhân”, Phó thủ tướng khẳng định và giải trình thêm mô hình này giải quyết bài toán thực tế của VN trong thời gian vừa qua, nhưng tới đây luật pháp cũng cần quy định rõ hơn. Trong đó, chìa khóa mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị chỉ có một cách là công khai, minh bạch tất cả các khoản thu từ các KCB theo yêu cầu, thu bao nhiêu và chi bao nhiêu từ đó.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Cả thế giới chỉ có Việt Nam "liên doanh, liên kết" trong bệnh viện công

Cho ý kiến về luật Đất đai (sửa đổi) vào tháng 10.2022

Chiều 13.6, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trong đó, bổ sung 5 dự án luật vào chương trình năm 2022, gồm: luật Đấu thầu (sửa đổi), luật Giá (sửa đổi), luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), luật Hợp tác xã (sửa đổi), luật Phòng thủ dân sự. Đặc biệt, QH điều chỉnh thời gian trình đối với dự án luật Đất đai (sửa đổi) từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023).

Trước đó, giải trình và tiếp thu chỉnh sửa nghị quyết, Ủy ban Thường vụ QH tán thành với ý kiến ĐB đây là dự án luật quan trọng, cấp thiết cần khẩn trương xây dựng, ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết T.Ư 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, bảo đảm quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện hồ sơ dự án luật Đất đai (sửa đổi) trình QH xem xét, cho ý kiến theo đúng tiến độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.