Cần đầu tư công nghệ
Hiệp hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến nước mắm trị giá hơn 1 triệu USD, nếu có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo hương vị thơm ngon truyền thống thì nên nhân rộng công nghệ dây chuyền sản xuất này để sản xuất nước mắm sạch, chất lượng.
Để làm được việc này, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính, cho người làm nước mắm vay ưu đãi, đồng thời đưa ra các quy chuẩn cụ thể cho nước mắm kể cả nước mắm truyền thống hay công nghiệp. Chỉ những cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn thì mới cấp phép cho lưu hành. Khi có sản phẩm chất lượng, đảm bảo ATVSTP thì sẽ không khó để vươn ra thế giới.
Nguyễn Văn Anh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Cơ quan chức năng cần vào cuộc
Cơ quan chức năng cần vào cuộc phân tích làm rõ nguyên nhân tại sao có hàm lượng thạch tín cao trong nước mắm cao đạm. Kết quả kiểm tra hầu hết các sản phẩm nước mắm đều vượt chuẩn cho phép về hàm lượng thạch tín và đạm amoniac, bất kể ở đâu thì rõ ràng nguồn nguyên liệu đầu vào có vấn đề. Nhiều cơ sở sản xuất thủ công gia truyền đã làm bao đời nay, người ta cũng không dại gì bỏ hóa chất vào để làm mất đi uy tín, thương hiệu. Các cơ quan chức năng cần điều tra và có hướng dẫn để người dân sản xuất ra các loại nước mắm sạch hơn nữa.
Lê Minh Thành (H.Nhà Bè, TP.HCM)
Phải chế tài mạnh các hành vi gian lận thương mại
Nhà nước cần xây dựng chi tiết hơn các tiêu chuẩn như nồng độ đạm, hàm lượng thạch tín... Đồng thời, phải có chế tài buộc các cơ sở sản xuất tuân thủ đúng các tiêu chuẩn đã đăng ký. Hành vi đưa ra sản phẩm có chất lượng không đúng với các tiêu chuẩn đã công bố chính là gian lận thương mại cần phải bị xử lý.
Trên thực tế, có lẽ các cơ sở chỉ đưa ra các chỉ số về độ đạm theo kinh nghiệm mà không có các phương tiện kỹ thuật thì chắc chắn sẽ không chính xác.
Muốn nước mắm Việt đủ sức vươn ra thế giới, cạnh tranh với các sản phẩm của các nước láng giềng thì phải chấm dứt kiểu làm ăn như vậy. Dù là sản phẩm truyền thống hay công nghiệp thì cũng phải tuân thủ các quy trình chất lượng nghiêm ngặt, bởi đây là sản phẩm dùng trực tiếp, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng VN.
Đỗ Duy Hưng (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Phải minh bạch và trung thực về thành phần trên nhãn
Các nhà quản lý cần quy định buộc các cơ sở phải minh bạch các tiêu chuẩn về chất lượng của mình trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Như vậy thì các cơ sở mới tự khắc phục và tự nâng cao chất lượng sản phẩm của mình được. Nhiều ý kiến cho rằng nước mắm truyền thống bao đời nay vẫn làm như thế, có sao đâu. Theo tôi, tư tưởng này hiện nay không còn phù hợp nữa. Cho dù nước mắm có ngon đến đâu nhưng nếu không đảm bảo an toàn thì khách nước ngoài nào dám mua.
Nguyễn Đức Quang (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Thay đổi thói quen
Trước hết, người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen sử dụng. Thay vì chạy theo nồng độ đạm để đánh giá nước mắm ngon, dở thì nên chuyển sang đánh giá nước mắm vào các chỉ tiêu đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, không thể nào đẩy hết cho người tiêu dùng, buộc họ phải là người tiêu dùng thông thái. Người tiêu dùng chỉ bằng cảm quan làm sao có thể phân biệt được. Do đó, nhà nước cần phải công bố các chỉ tiêu về quy chuẩn nước mắm một cách chi tiết từ nồng độ đạm đến hàm lượng thạch tín... các cơ sở sản xuất phải ghi rõ, trung thực thành phần có trong nước mắm trên nhãn. Hãy biết bảo vệ người tiêu dùng thì sản phẩm mới có cơ hội phát triển và vươn xa được.
Nguyễn Minh Quang (H.Củ Chi, TP.HCM)
Phan Văn Hạnh (Q.1. TP.HCM)
T.T - Sơn Hải (thực hiện)
|
Bình luận (0)