(TNO) Đó là nhận định của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt vào ngày 20.11.
|
“Các đồng chí bảo lũ tại Quảng Nam không vượt lịch sử, nhưng cái vượt lịch sử sẽ nhanh hơn. Vậy thì ở đây vấn đề là thông tin làm thế nào phải nhanh hơn nó”, Phó thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Vừa rồi lũ lớn, bà con cảm thấy nước lên nhanh, đột ngột là do hệ thống cảnh báo lũ của thủy điện Đăk Mi 4 chưa tốt. Trong khi đó, thủy điện A Vương đã thực hiện tốt công tác cảnh báo lũ, người dân hạ du A Vương đã hiểu rõ các cảnh báo để sống chung với lũ”.
Ông Quang lưu ý, thủy điện Đăk Mi 4 và các thủy điện khác nên học thủy điện A Vương để đưa ra hệ thống cảnh báo tốt hơn vì việc này liên quan đến người dân.
Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND H.Đại Lộc tỏ ra bức xúc vì cho rằng trong đợt lũ vừa qua, các thủy điện cùng lúc xả đến 7.000-8.000 m3 nước/giây khiến mực nước dâng quá nhanh, nhân dân rất lo sợ.
“Trận lũ không phải là trận lũ lớn nhưng phức tạp nhất là nước lớn quá nhanh, không trở tay kịp… Trong 2 tiếng đồng hồ, nước lũ từ báo động 1 lên báo động 3. Thông báo xả lũ cần thông phải thông báo sớm hơn, ít nhất trước 5-6 tiếng đồng hồ”, ông Trúc nói.
Theo ông Trúc, trước mùa mưa, Chính phủ cần chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các thủy điện phát điện, xả hết nước trong các hồ để tránh gây nguy hiểm khi mùa mưa lũ đến.
Ông Trúc cũng đề nghị Chính chỉ đạo các thủy điện có nghĩa vụ với vùng hạ du vì các vùng này bị thiệt hại quá lớn do thủy điện xả lũ.
Trong khi đó, ông Võ Văn Điềm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho rằng, trong đợt lũ vừa qua, các thủy điện còn do dự khi xả nước đón lũ.
Ngày 13.11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão đã có công văn yêu cầu các hồ xả nước đón lũ, tuy nhiên vì thấy không có mưa nên các hồ thủy điện chậm xả nước. Điều này dẫn đến việc khi lũ về thì các hồ vẫn chưa đạt được mực nước đón lũ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, hồ thủy điện cũng như hồ thủy lợi khi đầy hồ thì phải xả… Phải coi chuyện các hồ chứa xả lũ trong mùa lũ là bình thường.
“Nó chỉ không bình thường nếu xả sai quy trình, tức không cắt được đỉnh lũ… Quảng Nam đã làm được việc là theo dõi việc xả lũ từng hồ thủy điện, điều này rất quan trọng để đánh giá được hồ chứa có xả đúng quy trình hay không. Nếu sai quy trình thì phải xử lý”, ông Hải nói.
|
Theo ông Hải, trong đợt mưa lũ vừa qua, các thủy điện đều cắt được lũ và đều xả dưới đỉnh lũ… Tuy nhiên, vấn đề là có cách nào để cắt được lũ nhỏ hơn nữa. Cho nên, các bên liên quan cần phải trao đổi với nhau để điều hành.
“Đặc biệt, tôi quan tâm đến thông tin lũ vừa rồi vẫn có người dân nói rằng "tôi không biết xả lũ, tôi ngủ dậy mới biết là lũ về". Cái này là do hệ thống báo động của mình có vấn đề. Hệ thống từ tỉnh xuống, từ huyện xuống xã như thế nào, thiếu cái gì chúng ta phải khắc phục… Chúng ta cần phải hoàn thiện hệ thống báo động lũ…”, Phó thủ tướng nói thêm.
Cũng theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, tỉnh Quảng Nam phải đánh giá được việc thực hiện quy trình vận hành các hồ thủy điện là đúng hay sai. Nếu sai thì phải chấn chỉnh, gây thiệt hại phải xử lý trách nhiệm.
Trước đó, Phó thủ tướng đã cùng đoàn công tác đến kiểm tra tình hình sạt lở tại khúc sông Quảng Huế đoạn chảy qua thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong (huyện Đại Lộc).
Tại đây, Phó thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương: “Chủ yếu là không để dân bị đói, bị rét. Nhà dân nào khó khăn thì phải tạm cư trước rồi xử lý nhà sau”.
Tin, ảnh: Hoàng Sơn
>> Thủy điện xả lũ gây 'lũ chồng lũ': ĐBQH đề nghị xử lý hình sự
>> Lũ bất thường vì thủy điện xả lũ cấp tập
>> 15 thủy điện ở miền Trung - Tây nguyên đồng loạt xả lũ
>> Kinh doanh lữ hành quốc tế phải ký quỹ 500 triệu đồng
>> Báo Thanh Niên đến với vùng lũ quét
>> Luồng lạch Cửa Đại bị bồi lấp nghiêm trọng sau lũ
>> Phải kỷ luật nếu để hồ chứa gây lũ nặng thêm
>> Người dân vùng lũ thiếu thuốc khử trùng nước sinh hoạt
>> Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác khắc phục lũ tại Bình Định
Bình luận (0)