Thưa TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, ông có chia sẻ gì về việc ẩm thực Việt Nam vừa đạt thêm 5 kỷ lục thế giới mới?
Nền văn hóa ẩm thực của nước ta có bản sắc riêng, lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành, lại ích lợi cho sức khỏe. Vì vậy khi ẩm thực của Việt Nam nay đã được thế giới ghi nhận bằng việc xác lập kỷ lục, đây sẽ là cơ hội quý báu để chúng ta quảng bá. Tôi đi các nước thấy Công ty Hoàng gia Thái giới thiệu họ có gần 10.000 nhà hàng ở khắp nơi mà… sốt ruột. Dù không có Thái kiều ở đấy mà họ vẫn hoạt động tốt, trong khi nơi đâu có Việt kiều thì nhà hàng Việt mới phát triển được. Mình phải học hỏi người bạn bên cạnh chứ nhìn đâu cho xa xôi. Qua đây, tôi đề nghị Tổ chức VietKings và Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam cùng “xắn tay áo” vào làm. Dù hình thức công ty hay tổ chức nào cũng phải kết hợp cho được “3 nhà”: nhà nước, nhà nghiên cứu và nhà doanh nghiệp thì mới thành công, bởi bất cứ quốc gia nào biết tôn trọng các nhà nghiên cứu và nhà khoa học thì đất nước ấy sẽ phát triển.
Cha đẻ của thuyết “sức mạnh mềm” GS Joseph Nye cho rằng trong các loại sức mạnh ảnh hưởng tới thực thể khác bằng sức hấp dẫn và hợp tác chứ không phải bằng vũ lực hay tiền bạc thì văn hóa đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng ta tin tưởng rằng, ẩm thực Việt - trong đó có phở, cũng là một giá trị mềm. Báo Times đã tôn vinh phở là một trong 10 món ăn lợi cho sức khỏe nhất thế giới; CNN đã xếp các món phở, gỏi cuốn, chả giò (nem rán) nằm trong 50 món ngon nhất thế giới. Việt Nam xứng đáng là bếp ăn của thế giới, bởi sự đa dạng và sâu sắc của văn hóa ẩm thực Việt. Tôi đã từng đưa các món như bánh căn, chuối nếp nướng, bánh xèo, bánh bèo, bánh bột lọc, chả đẫy (trứng túi Âu Cơ) dự các lễ hội ẩm thực đường phố thế giới ở Manila (Philippines), Singapore... được mọi người ưa thích, có món khách xếp hàng rồng rắn để mua thưởng thức.
Ông có những hiến kế gì trong việc quảng bá ẩm thực Việt ra toàn cầu?
Trước tiên, nhà nước cần phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho ẩm thực và phải lên kế hoạch thật cụ thể bằng một chương trình hành động thiết thực, kết hợp với việc xúc tiến thương mại, quảng bá ẩm thực Việt ra nước ngoài. Đặc biệt, phải biết tận dụng trí tuệ nhân tạo và phương tiện hiện đại thời kỳ 4.0 vào thì mới hiệu quả. Hiện nay, số lượng người Việt trên thế giới rất đông và đây chính là những sứ giả quan trọng để lan tỏa món ăn ngon đến với khách năm châu bốn biển. Làm sao biến nước ta trở thành cường quốc về ẩm thực vì sản lượng xuất khẩu hiện nay đa phần là thực phẩm như: lúa, gạo, hồ tiêu, cà phê, cá, tôm... cũng đã nổi tiếng thế giới rồi. Ngoài ra, cần xây dựng du lịch kết hợp với ẩm thực để thu hút du khách. Theo tôi, các trung tâm lớn như: Cần Thơ, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Phú Quốc… phải xây dựng cho được những làng ẩm thực. Làng ở đây không nên băn khoăn về quy mô mà là mô hình quản lý thống nhất từ trên xuống dưới, mang đậm bản sắc Việt không nơi nào có trên thế giới. Tôi cho rằng khi dịch vụ phát triển thì đương nhiên kinh tế phát triển theo, lúc đấy người dân sẽ được hưởng lợi từ ẩm thực mang lại.
Bình luận (0)