Báo Thanh Niên ngày 15.2.2022 có bài viết 43 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17.2.1979 - 17.2.2022): Chuyện về người anh hùng. Trong đó có chi tiết: “Trong 22 liệt sĩ Trường Sĩ quan Chính trị hy sinh tại biên giới phía bắc đầu 1979, có một học viên được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là trung úy Phan Đình Linh”.
Ông Phan Đình Nga bên bàn thờ anh trai - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Linh |
MAI THANH HẢI |
Thể hiện rất tóm gọn trong sách giáo khoa
Thiết nghĩ những câu chuyện như anh Phan Đình Linh cần thiết đưa vào tư liệu lịch sử để dạy học sinh. Trong sách giáo khoa lịch sử lớp 9 hiện nay nội dung cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc chưa phản ánh đầy đủ.
“… sáng 17.2.1979, Trung Quốc cho quân đội với lực lượng 32 sư đoàn mở cuộc tiến công nước ta dọc biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu)…” (Sách giáo khoa lịch sử lớp 9 - Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam - Tái bản lần thứ mười, 2015). Cả một cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc chỉ được thể hiện 12 dòng trong sách giáo khoa rất tóm gọn, không thể hiện được sự chiến đấu hy sinh gian khổ của quân dân ta, sự tàn bạo của quân xâm lược cũng như thiếu khách quan, không công bằng đối với lịch sử.
Cả một giai đoạn Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979) gồm: 1. Đấu tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam, 2. Đấu tranh bảo vệ biên giới phía bắc, tất cả chỉ được trình bày “rút gọn” với dung lượng 23 dòng và được giảng dạy với thời lượng 45 phút trong một phần của Bài 32: Xây dựng đất nước, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976-1985) thì không thể nào nói được tính chất khốc liệt, ý nghĩa sự hy sinh lớn lao của quân và dân ta đã không tiếc máu xương để Tổ quốc được trường tồn.
Cả một cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía bắc chỉ được nhắc đến 12 dòng trong sách giáo khoa môn lịch sử lớp 9 |
n.v.l |
Là giáo viên có 35 năm giảng dạy lịch sử ở trường THCS tôi có cảm nhận chúng ta chưa nói rõ sự thật lịch sử về cuộc đấu tranh của quân dân ta chống lại sự xâm lược của Trung Quốc trong giai đoạn này (1975-1979). Ngay cả việc dùng từ ngữ chúng ta cũng nói tránh, nói giảm “… 32 sư đoàn mở cuộc tiến công nước ta…”. Tại sao chúng ta không nói cho rõ là “… 32 sư đoàn quân mở cuộc tiến công xâm lược nước ta…”? Vì nếu nói tiến công là chỉ hành động quân sự của đối phương không rõ mục đích, mưu đồ, còn tiến công xâm lược nước ta là hành động có mục đích rõ ràng. Rồi bao nhiêu nhà cửa, xóm làng, công trình… bị quân xâm lược phá hủy san bằng; bao nhiêu người dân vô tội phải thiệt mạng; hàng nghìn chiến sĩ phải hy sinh trong cuộc chiến này trong đó có anh Phan Đình Linh không được nhắc tới. Đó là một sự lãng quên với cha ông, không khách quan khi trình bày lịch sử.
Một điều nữa khi dạy về phần II. Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979), nhiều giáo viên dạy sử thấy việc dùng từ trong sách giáo khoa lịch sử lớp 9 và 12 còn có sự phân biệt không đáng có. Cụ thể Mục 1: Đấu tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam ghi: "Ngày 22-12-1978, tập đoàn Pôn Pốt huy động 19 sư đoàn bộ binh cùng với nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng tiến đánh Tây Ninh, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Tây - Nam nước ta…” Trong khi đó ở Mục 2: Đấu tranh bảo vệ biên giới phía bắc, sách giáo khoa ghi: “Nghiêm trọng hơn, sáng 17-2-11979,Trung Quốc cho quân đội với lực lượng 32 sư đoàn mở cuộc tiến công nước ta…”. Cùng là hành động xâm lược nhưng lại viết Trung Quốc là "tiến công" còn Pôn Pốt là "xâm lược" nước ta. Như vậy có đúng bản chất của sự kiện lịch sử không?
Cả một giai đoạn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979) chỉ được trình bày “rút gọn” với dung lượng 23 dòng |
n.v.l |
Lịch sử là một khoa học do vậy cần phải thể hiện một cách trung thực, chính xác để những thế hệ mai sau hiểu đúng về bản chất của sự kiện.
Sách giáo khoa cần viết lịch sử như một câu chuyện
Chương trình giáo dục phổ thông 2006 được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
Vậy chúng ta nên trình bày một cách rõ ràng hơn về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía bắc cũng như phía nam giai đoạn 1975-1979. Theo nhiều thầy cô dạy lịch sử, sách giáo khoa nên viết, trình bày sự kiện lịch sử dưới dạng một câu chuyện thì hay hơn viết theo truyền thống lâu nay: nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa…Vì lịch sử suy cho cùng nó là một câu chuyện về quá khứ nên chúng ta viết dưới dạng một câu chuyện thì người dạy và học sinh sẽ có hứng thú hơn, thấm sâu hơn.
Những tấm gương chiến đấu dũng cảm hy sinh oanh liệt của quân và dân ta như anh Phan Đình Linh mà đến nay chưa xác định được mộ phần là một điển hình cho việc bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Qua đó học sinh nhận thức được bản chất hành động tội ác của quân xâm lược, từ đó học sinh ý thức mình sẽ cần phải làm gì đối với Tổ quốc.
Thiết nghĩ việc phản ánh chân thật khách quan lịch sử trong sách giáo khoa cũng là cách tỏ lòng biết ơn ông cha ta đã không tiếc máu xương để có ngày hôm nay, cũng nhằm giáo dục học sinh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Bình luận (0)