'Cần phạt thật nặng đối với những trường hợp xâm hại trẻ em'

Lê Thanh
Lê Thanh
06/07/2019 21:14 GMT+7

'Cần phạt thật nặng đối với những trường hợp xâm hại trẻ em, chứ theo như mức xử phạt hiện nay là không đủ sức răn đe', Ngô Triệu Vy, học sinh lớp 8, Trường THCS Linh Trung, Q.Thủ Đức (TP.HCM) đề xuất ý kiến.

Ngô Triệu Vy đề xuất ý kiến trên tại kỳ họp Hội đồng trẻ em TP.HCM năm 2019, với chủ đề “Giải pháp trong công tác phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong giai đoạn hiện nay”, diễn ra vào ngày 6.7.
Chương trình do Thành đoàn TP.HCM tổ chức tại Q.9, với sự tham dự của Phó chủ tịch thường trực Hội đồng đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang và gần 60 học sinh tiêu biểu của TP.HCM...

Các đại biểu là học sinh trong Hội đồng trẻ em TP.HCM điều hành cuộc họp

Lê Thanh

Trẻ bị xâm hại do nhiều nguyên nhân

Cao Thanh Hiếu, học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Du (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho rằng: “Trong thời gian qua có rất nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành, bóc lột sức lao động,... Theo số liệu trên các báo đài, mỗi năm nước ta có từ 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó phát hiện khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục”.
Theo Hiếu, nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trên là do: “Đầu tiên, việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng; kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ chưa đầy đủ dễ dẫn đến trẻ em trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục... Một nguyên nhân nữa là các tội phạm gây ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ vẫn chưa được xử lý nghiêm minh".

Học sinh tham dự kỳ họp trao đổi ý kiến trước khi phát biểu

Lê Thanh

Trong khi đó, Nguyễn Ánh Hồng, học sinh lớp 8, Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh) cho biết: “Vấn đề kỳ thị, miệt thị cũng thường xảy ra trong lớp học. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của học sinh mỗi khi đến trường. Người dễ dàng nắm bắt tình hình của lớp học không ai khác là giáo viên. Chính vì vậy, giáo viên cần được trang bị không chỉ về mặt bài giảng, giáo trình, nghiệp vụ sư phạm mà còn phải được trang bị về tâm lý học đường để có thể nắm bắt và biết cách tư vấn, chia sẻ giúp những học sinh đang gặp vấn đề về tâm lý vượt qua khó khăn”.
Đóng góp ý kiến thêm tại chương trình, Ngô Triệu Vy, học sinh lớp 8, Trường THCS Linh Trung, Q.Thủ Đức, nói: “Hầu hết những nguyên nhân liên quan đến các vấn đề xâm hại trẻ em đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết trong việc phòng chống. Vì vậy, em mong muốn những bài học liên quan đến phòng chống xâm hại trẻ em được tuyên truyền ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn nữa dưới nhiều hình thức khác nhau, như thông qua các hội thi rung chuông vàng trong trường học”.

Chăm chú lắng nghe

Lê Thanh

Lồng ghép các kỹ năng chống xâm hại trẻ vào chương trình học

Để làm tốt công tác phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em hiệu quả, Lê Quang Thạch Anh, học sinh lớp 9, Trường THPT Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) cho rằng: “Mỗi học sinh hãy là một tuyên truyền viên trên mạng xã hội. Hãy chia sẻ những dòng tin hữu ích, tích cực trên trang cá nhân của mình để bạn bè cùng đọc. Song song đó, chúng ta hãy vận động bạn bè, thầy cô, người thân trong gia đình chia sẻ những thông tin bổ ích cho học sinh trên mạng xã hội”.

Học sinh nêu ý kiến tại kỳ họp

Lê Thanh

Cũng theo Thạch Anh: “Em mong các cô chú, thầy cô cân nhắc lồng ghép thêm các buổi học kỹ năng sống về cách phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em vào chương trình ở trường. Và em mong các buổi học này được đầu tư nghiêm túc để hình thành những nhận thức tích cực trong học sinh, để khi đối diện với những tình huống trong thực tế, mỗi học sinh biết cách xử lý như thế nào”.
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phó ban Thiếu nhi Thành đoàn, Phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM, trong thời gian gần đây, vấn đề bạo lực và xâm hại trẻ em được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông với những con số đáng báo động, gây ra nỗi lo lắng không chỉ cho gia đình, xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các em đội viện, học sinh.
“Trong kỳ họp Hội đồng trẻ em TP.HCM năm 2019 hôm nay chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến đề xuất về giải pháp trong công tác phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em từ chính các em. Tất cả những ý kiến đề xuất này chúng tôi sẽ tổng hợp đầy đủ để có những trao đổi với Sở GD-ĐT TP.HCM cũng như các ban, ngành liên quan để tìm ra những giải pháp tốt nhất ứng dụng vào thực tế trong công tác phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em ngày một hiệu quả hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.