Sáng 20.11, tại phiên thảo luận toàn thể về dự án luật Nhà giáo, nhiều đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm về việc dạy thêm, học thêm. Theo các đại biểu, đây là nhu cầu thực tiễn, vì thế cần có chính sách để quản lý cho phù hợp.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) đề cập tới việc dự thảo quy định những việc nhà giáo không được làm, trong đó có việc ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.
Bà Thủy đề nghị cần có nhìn nhận thấu đáo về dạy thêm, học thêm để xây dựng quy định cho phù hợp.
Thực tế cho thấy dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên, trong khi đó học thêm là nhu cầu có thật của học sinh, nhất là vùng đô thị, nơi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Theo bà Thủy, không chỉ học sinh có học lực chưa tốt mà ngay cả học sinh đã có học lực tốt vẫn có nhu cầu học thêm để nâng cao kiến thức, nhất là những em có nguyện vọng thi vào trường chuyên, học sinh giỏi, trường đại học top đầu.
"Nếu cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm là còn chủ quan, chưa phù hợp với thực tế cuộc sống", đại biểu Thủy nói.
Đại biểu Quốc hội: Học thêm là nhu cầu cần thiết, cần có cơ chế quản lý
Đừng "quản không được thì cấm"
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, học thêm là nhu cầu thực tế của nhiều học sinh, phụ huynh. Thông qua học thêm, học sinh yếu thì được kèm thêm, học sinh khá thì được bồi dưỡng thêm, có kết quả tốt hơn.
"Bên cạnh việc khuyến tự học, việc cần nhà giáo định hướng, hướng dẫn là nhu cầu chính đáng", bà Hiền nói, và cho rằng nên xem dạy thêm là một nghề có thu.
Theo bà Hiền, thực tế đã có lúc cấm, nhưng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra, thậm chí còn khó quản lý hơn.
Để đáp ứng nhu cầu của người học và quản lý việc dạy thêm, học thêm, nữ đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.
Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư về dạy thêm, học thêm. Bà Hiền bày tỏ sự đồng tình và nhận định quy định nhà giáo có quyền dạy thêm sẽ là một sự chính danh cho hoạt động chính đáng này.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ KH-ĐT có thông tư hướng dẫn về hoạt động dạy thêm, học thêm, vì đây là nhu cầu cần thiết của xã hội.
Ông Khánh nói hiện có 2 luồng quan điểm về vấn đề trên, một là cấm, hai là quản lý. Tuy nhiên, thay vì "quản lý không được thì cấm", ông cho rằng cần có cơ chế đối với hoạt động dạy thêm, học thêm.
Khắc phục tình trạng "dạy chay, học chay"
Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) nhận định nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi sản phẩm nhà giáo tạo ra là tri thức, người thầy có ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm mà người thầy tạo ra. Do vậy cần có chính sách đặc biệt cho nhà giáo.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục là con đường hiệu quả nhất để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phát triển năng lực sư phạm của mỗi người làm công tác giảng dạy. Nghiên cứu khoa học còn là tiêu chí đánh giá chất lượng nhà trường.
Dự thảo luật Nhà giáo đã quy định nhà giáo được quyền nghiên cứu khoa học, tuy nhiên trong thực tiễn, kinh phí dành cho nhà giáo nghiên cứu khoa học tại các nhà trường còn khó khăn.
Trong khi đó, các nhóm đề tài có yêu cầu về kỹ thuật, thử nghiệm đều cần có nguồn kinh phí để thực hiện. Nếu kinh phí đầu tư như hiện tại thì các cơ sở giáo dục rất khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, cần làm rõ và mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật, không chỉ bao gồm những người có nhiệm vụ giảng dạy mà còn cả những người có nhiệm vụ giáo dục trong các cơ sở giáo dục.
Đồng thời cần xem xét việc đưa các nhóm viên chức quản lý và giảng viên đại học (có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng) vào đối tượng áp dụng.
Về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đồng tình với việc giao thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cho cơ quan giáo dục.
Bà Trịnh Thị Tú Anh đề nghị bổ sung yêu cầu về thực hành sư phạm và kinh nghiệm thực tế, đặc biệt đối với giảng viên đại học, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và khắc phục tình trạng "dạy chay, học chay".
Bình luận (0)