Sáng 14.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp chuyên đề để cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đây là dự án luật đã được Quốc hội (QH) thảo luận tại kỳ họp thứ 7 hồi tháng 5, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo thiết kế 2 điều về phòng cháy đối với nhà ở (điều 18) và phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh (điều 19). Đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với 2 loại hình này.
Tán thành việc tách thành 2 quy định riêng với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho hay thực tiễn vừa qua, nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo Chủ tịch QH, các vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh vừa qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm, cần phải được đúc kết để đưa vào quy định tại dự thảo luật, phòng ngừa tối đa cháy và hậu quả của cháy, nổ.
Chủ tịch QH cũng nhìn nhận thời gian qua, cháy nổ diễn biến phức tạp, công tác PCCC còn nhiều bất cập. Chủ tịch QH dẫn chứng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có nhiều chung cư cao tầng và những nơi này thường xảy ra cháy nổ nhưng công tác PCCC hiện nhiều bất cập, vướng mắc. "Khi phê duyệt bao nhiêu tầng phải đảm bảo có thang chữa cháy bấy nhiêu tầng. Chứ thang chữa cháy chỉ lên được 15 tầng mà cấp phép đầu tư xây dựng lên 20 - 25 tầng thì không cách nào chữa cháy được. Đây là vấn đề bất cập", Chủ tịch QH nêu.
Nghiên cứu quy định riêng là cần thiết
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng dự thảo luật đã tách quy định phòng cháy với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh thành 2 điều riêng là phù hợp, nhưng với nhà chung cư cao tầng cũng cần nghiên cứu có quy định riêng.
"Như Chủ tịch QH nói, phương tiện PCCC thì chúng ta chưa có trực thăng, các thang chữa cháy chỉ với tới tầng 20. Do đó, cần phải có quy định riêng để phòng ngừa trong trường hợp sự cố xảy ra, nhất là với chung cư xây dựng mới", ông Thanh nói. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị học tập kinh nghiệm quốc tế, với nhà trên tầng 20 (độ cao thang chữa cháy có thể lên được) thì phải có 1 tầng kỹ thuật không bố trí người ở để khi có sự cố thì các hộ dân ở các tầng trên có thể chạy xuống đó.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục QH Nguyễn Đắc Vinh cũng tán thành cần nghiên cứu quy định riêng về PCCC với nhà chung cư cao tầng vì công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn nhà cao tầng phức tạp hơn. Ông đề nghị nếu không quy định thành một điều khoản riêng trong luật thì cần giao Chính phủ quy định vấn đề này.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương cho biết Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu bổ sung quy định về PCCC với nhà chung cư cao tầng. Theo ông Phương, nhiều chung cư hiện xây dựng trong hẻm, thậm chí không có đường để xe chữa cháy đi vào chứ chưa nói tới việc chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Do đó, việc nghiên cứu bổ sung các quy định về phòng cháy với nhà chung cư cao tầng là cần thiết.
Cũng trong ngày 14.8, Ủy ban Thường vụ QH đã bế mạc phiên họp chuyên đề sau 3 ngày làm việc.
Bình luận (0)