Cần sự bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án tín dụng xanh

Thu Hằng
Thu Hằng
05/07/2024 16:50 GMT+7

Tín dụng xanh là những dự án dài hạn, có thể là 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm với lợi nhuận thấp và rủi ro cao. Các ngân hàng cần sự hỗ trợ, bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án tín dụng xanh.

Đây là ý kiến của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, tại tọa đàm "Khơi thông dòng tín dụng xanh" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 5.7.

Cần sự bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án tín dụng xanh- Ảnh 1.

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ tại tọa đàm

TUẤN MINH

Tỷ lệ cho vay tín dụng xanh vẫn thấp

Là người Việt đầu tiên mở ngân hàng tại Mỹ và cũng có rất nhiều tâm huyết với tăng trưởng xanh, tín dụng xanh, TS Nguyễn Trí Hiếu đã chia sẻ góc nhìn về lợi ích của tín dụng xanh.

Theo ông Hiếu, biến đổi khí hậu toàn cầu đang đưa thế giới vào rủi ro rất lớn. Một số khảo cứu cho thấy, nếu nhiệt độ trên toàn cầu tăng lên 1% thì các thành phố ven biển sẽ ngập nước. Nếu nhiệt độ tăng 2% thì ngay cả thành phố ở trung tâm cũng bị ngập nước.

"Biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng, là tương lai của thế giới, là tương lai của chúng ta và con cháu của chúng ta. Làm sao chặn đứng được đại nạn biến đổi khí hậu toàn cầu là vấn đề của mọi người, kể cả của Chính phủ, của các chuyên gia, của người dân", ông Hiếu bày tỏ.

Vị chuyên gia cho biết, tại Việt Nam, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng cho vay xanh để tài trợ cho dự án về môi trường, biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn đang chiếm 4,5% dư nợ trên cả hệ thống.

Ông Hiếu đánh giá: "Dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ trên hệ thống là rất khiêm tốn so với các nước xung quanh, đặc biệt là so với các nước phát triển. Mặc dù theo Ngân hàng Nhà nước, mỗi năm dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng đến 20%, nhưng chúng ta không nên xem đó là con số tăng trưởng khá khả quan".

Cạnh đó, còn có một số công ty, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh tài trợ các dự án cải thiện môi trường, dự án về môi tường. Tổng dư nợ trái phiếu rất yếu, hiện nay chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam phát hành trong 10 năm đổ lại.

Ngân hàng gặp khó về tính thanh khoản

Theo bà Trần Tường Vân, Giám đốc tư vấn, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, ngân hàng đang rất sẵn sàng cho vay xanh và rất muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp, nên doanh nghiệp cần tích cực chủ động tìm kiếm các gói tín dụng phù hợp của các ngân hàng.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhận định này chưa thuyết phục. Ông Hiếu dẫn chứng, tỷ lệ của tín dụng xanh cho tổng dư nợ hiện nay rất thấp. Hiện các ngân hàng không có đủ thanh khoản để tài trợ tín dụng xanh.

Vẫn theo ông Hiếu, tín dụng xanh là những dự án dài hạn có thể là 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm với một lãi suất thấp, trong khi vốn huy động của các ngân hàng là vốn ngắn hạn cho đến 12 tháng (chiếm khoảng 80% tổng huy động của hệ thống). 

"Chúng ta biết rằng hiện tại tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống rất thấp, các ngân hàng đang bị "bó tay" bởi tỷ lệ đó. Ngân hàng mà phải tài trợ cho các dự án tín dụng xanh dài hạn, lãi suất thấp và đặc biệt rủi ro lớn, nếu không có bảo trợ, bảo lãnh của Chính phủ, khả năng dự án này vỡ nợ là có", ông Hiếu phân tích.

Không những gặp khó về tính thanh khoản, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, ngoại trừ những dự án tạo ra kinh doanh và lợi nhuận tức thì, ví dụ như như dự án nuôi bò của Ngân hàng Bắc Á, còn những dự án về cải tạo môi trường, năng lượng sạch… Việt Nam chưa có đủ tiêu chuẩn để thẩm định kết quả.

Ông Hiếu chia sẻ: "Ngân hàng không có nhiều vốn cho vay trung và dài hạn đối với các dự án xanh. Đặc biệt, rủi ro và lợi nhuận của dự án này thấp. Tại thời điểm này có lẽ chúng ta không thể kỳ vọng nhiều lắm vào hệ thống ngân hàng cho tín dụng xanh. Chúng ta nên tìm đến nguồn tài trợ từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)…, họ tài trợ dự án tín dụng xanh ở Việt Nam".

Cạnh đó, nếu các tổ chức tư nhân, trong đó có các ngân hàng cho vay hoặc các tổ chức kinh tế phát hành trái phiếu cần phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.

"Thời điểm này tôi nhận thấy chúng ta chưa có định hình rõ ràng về các tiêu chí và ai là người  thẩm định các dự án xanh tại Việt Nam. Tiêu chí chưa rõ ràng, thành ra chúng ra cần phải làm rất nhiều việc. Với các ngân hàng, tôi nghĩ rằng cũng cần sự hỗ trợ, bảo lãnh của Chính phủ cho tín dụng xanh", ông Hiếu nêu ý kiến. 

Cần sự bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án tín dụng xanh- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.