Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định tính cần thiết, cấp bách của các cơ chế, chính sách vượt trội đối với sự phát triển bền vững của TP.HCM. Đây là cơ sở quan trọng để TP.HCM phát huy một cách hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, giữ vững vai trò đầu tàu, tạo xung lực mới và lan tỏa cho khu vực phía nam và cả nước.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề xuất quy tắc 2 - 4 - 7 khi thực hiện nghị quyết mới, gồm: 2 nguyên tắc, 4 cách tiếp cận và 7 nhóm chính sách. Cụ thể, 2 nguyên tắc là tháo gỡ nhanh những vướng mắc cũ và kiến tạo không gian phát triển mới bằng những chính sách vượt trội. 4 cách tiếp cận là những gì của Nghị quyết 54 còn dùng được thì tiếp tục làm, cái gì các địa phương khác đã áp dụng nếu thấy cần thiết thì đưa vào, các chính sách mới đã được đề xuất trong một số luật đang sửa đổi, và các đề xuất từ thực tiễn. Từ đó, đề xuất chính sách vượt trội ở 7 nhóm lĩnh vực được cụ thể hóa thông qua 43 cơ chế.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, đánh giá Nghị quyết 54 đã giúp TP.HCM gỡ được nhiều vướng mắc, nhưng cũng có nhiều điểm chưa mong muốn do vướng mắc về thủ tục, nên cần một cơ chế mang tính gỡ vướng về mặt thủ tục, cơ chế phối hợp.
Đồng quan điểm, TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng cần có giải pháp đảm bảo tính khả thi của nghị quyết, nhất là khi có xung đột pháp lý, xung đột trách nhiệm trong quá trình thực thi. Nếu tiếp cận theo mô hình sandbox (thử nghiệm thể chế có kiểm soát) thì các cơ chế mới nằm ngoài quy định, vượt lên trên quy định hiện hành. "Như vậy phải xác lập cơ chế ưu tiên trong thực hiện nghị quyết này trên thực tiễn", TS Hiền nói.
Kết luận hội thảo, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, nhìn nhận để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thì các cơ chế, chính sách cần hướng tới tính mở, dự liệu được các vấn đề trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các xung đột pháp lý, xung đột về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Trong đó, cần xác lập cơ chế "ưu tiên" trong thực hiện các cơ chế, chính sách của nghị quyết mới nếu xảy ra các xung đột trên cũng như cài đặt giải pháp tháo gỡ, hóa giải.
Bên cạnh đó, ông Phát cũng cho rằng cần có sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành T.Ư; sự chủ động của các sở, ban, ngành và quận, huyện; đặc biệt là cần phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đối với TP.Thủ Đức, hội thảo cũng đã dành sự quan tâm về việc xây dựng các cơ chế, chính sách đối với "thành phố trong thành phố" còn non trẻ này để phát triển đúng với kỳ vọng trên cơ sở phân cấp và trao quyền nhiều hơn. Đồng thời, tạo lập các cơ chế, chính sách để quản lý, phát triển, biến Thủ Đức thành địa bàn khai triển các ý tưởng, mô hình quản lý; các cơ chế, chính sách mới, phù hợp với xu hướng phát triển của tương lai.
Bình luận (0)