Đề xuất cơ chế vượt trội: TP.HCM phát triển để đóng góp nhiều hơn cho cả nước

19/05/2023 04:19 GMT+7

TP.HCM xin thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển,triển khai thực tiễn để đóng góp thực tiễn cho cả nước chứ không đặt vấn đề xin những đặc ân, điều kiện thuận lợi về cho TP. Và nếu có thì đó cũng là vì mong muốn TP.HCM phát triển nhanh hơn, mạnh hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khi chủ trì buổi họp báo liên quan đề xuất nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, diễn ra chiều 18.5 tại Trung tâm Báo chí TP.HCM.

Mở đầu buổi họp báo, ông Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về nguyên tắc đưa vào kỳ họp thứ 5 (dự kiến khai mạc ngày 22.5) với điều kiện hoàn thiện hồ sơ, dự thảo nội dung. Dù vậy, muốn trình Quốc hội thì phải đảm bảo trình tự, thủ tục và chất lượng. TP.HCM đang tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo làm ngày làm đêm để chuẩn bị, đến sáng 18.5 hoàn thiện hồ sơ.

Cấp thiết cần cơ chế vượt trội 

Tại buổi họp báo, PV Báo Thanh Niên đặt câu hỏi về tính cần thiết của nghị quyết mới đối với sự phát triển của TP.HCM; đồng thời với các chính sách được đề xuất trong nghị quyết mới, TP.HCM đánh giá đã đủ để tháo gỡ vướng mắc đang đối mặt, cũng như đủ tạo động lực mới để phát triển hay chưa...

Ông Phan Văn Mãi cho hay sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, TP.HCM tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao. Việc chậm triển khai các nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như: nguyên nhân do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, TP.HCM dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm TP.HCM chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên thực tế TP.HCM không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết. Vì vậy, việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là cần thiết.

Đề xuất cơ chế vượt trội: TP.HCM phát triển để đóng góp nhiều hơn cho cả nước - Ảnh 1.

TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm vào ngân sách quốc gia

Ngọc Dương

Giúp giữ vững vai trò đầu tàu 

Trả lời về những cơ chế mới cho TP.HCM sẽ lan tỏa đến cả nước như thế nào, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh các cơ chế tạo sự phát triển đột phá cho TP.HCM, giúp giữ vững vai trò đầu tàu, là cực tăng trưởng và đóng góp cho cả nước.

Bên cạnh đó, các cơ chế sau khi tổng kết thì Quốc hội, Chính phủ sẽ có chỉ đạo để thể chế hóa thực hiện chung cho cả nước. TP.HCM một mặt chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách để thí điểm, một mặt nhận từ các bộ ngành T.Ư, cụ thể là các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng... Đó cũng là đóng góp cho cả nước, nhận thí điểm chính sách của các bộ ngành.

Đề xuất cơ chế vượt trội: TP.HCM phát triển để đóng góp nhiều hơn cho cả nước - Ảnh 1.

Hạ tầng được xem là điểm nghẽn lớn cản trở sự phát triển của TP.HCM

Ngọc Dương

Phải bước ra khỏi hệ thống nếu "ngồi yên"

Ông Phan Văn Mãi chia sẻ hiện nay có một bộ phận cán bộ còn e dè, thiếu sự năng động, ngại trách nhiệm nhưng đó không phải là tất cả hệ thống bộ máy hành chính thành phố. Thời gian qua, TP.HCM đã và đang có nhiều biện pháp để động viên cán bộ, công chức, từ công tác tư tưởng chính trị; các chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập; đến các biện pháp phê bình, nhắc nhở, kỷ luật…

"UBND TP.HCM có rà soát lại, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, công chức. Tôi tin rằng trước những thách thức lớn, chúng ta sẽ nỗ lực để phấn đấu vượt qua, từ đó cùng chung tay đưa thành phố phát triển. Đông đảo cán bộ, công viên chức và người dân TP.HCM vẫn đang trong tâm thế đó. Với những cán bộ thiếu năng động, ngại trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, có biện pháp hỗ trợ để thay đổi hoặc buộc phải bước ra khỏi hệ thống", ông Phan Văn Mãi nói.

Đề xuất cơ chế vượt trội: TP.HCM phát triển để đóng góp nhiều hơn cho cả nước - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì họp báo

Nguyễn Anh

Theo chia sẻ của ông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu TP.HCM cần hết sức quan tâm, tập trung xây dựng năng lực thực thi. Không chỉ sau khi phân cấp về cho thành phố thì HĐND TP.HCM ra nghị quyết là xong, mà HĐND, UBND TP.HCM, các sở ban ngành phải tập trung xây dựng đội ngũ để đủ sức cụ thể hóa, tổ chức thực hiện và rút kinh nghiệm từ những khó khăn hiện hữu.

"Chúng tôi cho rằng việc chuẩn bị tâm thế, đội ngũ, bộ máy để triển khai nghị quyết mới này là rất quan trọng. Đến giờ này, TP.HCM đã có bước chuẩn bị khá chủ động, có phân công cho các cơ quan chuẩn bị cụ thể hóa các nội dung cơ chế chính sách để trình cho HĐND tại các kỳ họp trong thời gian tới", ông Phan Văn Mãi nói.

Tổng thu ngân sách nhà nước của TP.HCM luôn dẫn đầu cả nước.

Cụ thể, năm 2019 gần 410.000 tỉ đồng, năm 2020 hơn 371.000 tỉ đồng, năm 2021 hơn 381.000 tỉ đồng và năm 2022 hơn 457.500 tỉ đồng.

Tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM nộp vào ngân sách quốc gia cũng tăng từ 77% giai đoạn 2011 - 2016 lên 82% giai đoạn 2017 - 2020 (và hiện là 79%). Với tỷ lệ này, TP.HCM dẫn đầu các địa phương về tỷ lệ điều tiết ngân sách về T.Ư, kế đến là Hà Nội (68%), Bình Dương (67%), Đồng Nai (50%), Quảng Ninh (49%), Bà Rịa-Vũng Tàu (48%)…

Bộ Chính trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với TP.HCM

Trong hơn 40 năm qua, Bộ Chính trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với TP.HCM thông qua 4 nghị quyết vào các năm 1982, 2002, 2012 và 2022. Trong các nghị quyết này, TP.HCM đều được xác định là đầu tàu kinh tế, là trung tâm của nhiều lĩnh vực như văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế… và là động lực tăng trưởng của khu vực phía nam.

Đây là định hướng nền tảng để TP.HCM có những bước phát triển mới, luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế cả nước cũng như nộp ngân sách cao nhất cả nước.

Năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, giúp địa phương tháo gỡ được một số điểm nghẽn. Tuy nhiên, như chính đánh giá của lãnh đạo TP.HCM và nhiều chuyên gia, sự tăng trưởng của TP.HCM đang giảm tốc rõ rệt khi đối mặt với hàng loạt điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng.

UBND TP.HCM cho biết từ năm 2022 TP.HCM đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, hội nghị để phân tích, mổ xẻ những kết quả đạt được cũng như hạn chế sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 54. UBND TP.HCM cũng phối hợp Bộ KH-ĐT xây dựng các cơ chế mới sát thực tiễn và khả thi nhất để triển khai hiệu quả.

Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đề xuất 43 cơ chế ở 7 lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TP.HCM và TP.Thủ Đức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.