Cần tận dụng thời cơ dân số 'vàng'

Thu Hằng
Thu Hằng
21/08/2022 07:40 GMT+7

Tỷ lệ lao động có bằng cấp, có kỹ năng của Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của lao động Việt Nam hạn chế, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đây là đánh giá của đại diện doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia tại Hội nghị trực tuyến phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 20.8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị

Nhật Bắc

Doanh nghiệp lớn cần tuyển hàng trăm nghìn lao động

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường, mặc dù năm 2022 các chính sách mở cửa cũng như chính sách đối phó linh hoạt với dịch Covid-19, các gói kích cầu kinh tế đã mang lại sự hồi phục, tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch, nhưng DN du lịch cũng như DN trong lĩnh vực khác đang gặp khó khăn về nguồn cung lao động (LĐ) chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các LĐ có trình độ chuyên môn cao.

Ông Trường cho hay: “Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hằng năm với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, chúng ta cần đến 40.000 LĐ có trình độ. Hiện các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn”.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup, cho biết với tốc độ phát triển, tập đoàn này đang thiếu nhân sự và cần bổ sung, dự kiến sẽ tăng lên 150.000 trong 2 năm tới. “Chúng tôi cần 100.000 nhân sự, trong đó 20% là nhân sự cao cấp đã qua đào tạo, tối thiểu là trình độ đại học. Khoảng 10% cho khối sản xuất, phục vụ sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Chúng tôi tin tưởng rằng Vingroup khi ra thế giới mang theo khát vọng Việt Nam chinh phục thế giới và chỉ có thể phụ thuộc vào con người”, lãnh đạo Vingroup chia sẻ.

Ngoài LĐ có kỹ năng, theo ông Quang, Vingroup đang cần tuyển gấp 80.000 - 100.000 công nhân LĐ cho một loạt dự án tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP.HCM… cùng với việc mở rộng nhà máy pin tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) và mở rộng nhà máy ô tô tại Hải Phòng. Ông Quang bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn Chính phủ, chính quyền các địa phương, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT phối hợp hỗ trợ trong tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Tại các địa phương, Vinfast và Vinhomes đang có nhu cầu tuyển dụng đào tạo hàng chục nghìn LĐ để đào tạo phát triển họ thành công nhân lành nghề, có tay nghề cao, kỹ sư nhà máy chất lượng. Chúng tôi sẽ có đãi ngộ tốt nhất để họ yên tâm công tác”.

Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải THACO Phạm Văn Tài cũng cho biết trong giai đoạn 2022 - 2025, tập đoàn này có nhu cầu nhân sự tăng 15%/năm, tức là khoảng 9.000 - 10.000 việc làm/năm. Đại diện Công ty Pouyuen Việt Nam - chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu tại TP.HCM, cũng cho hay sau dịch Covid-19, công ty thâm hụt 5% LĐ và đang gặp khó trong tuyển dụng. Thời gian tới, DN này cần tuyển dụng số lượng lớn LĐ có kỹ năng, tay nghề cao trong các lĩnh vực kỹ thuật khuôn mẫu, tự động hóa, công nghệ thông tin...

Lao động còn thiếu kỹ năng

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, đánh giá Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số “vàng” nhưng chất lượng LĐ lại chưa phải là “vàng”, bởi tỷ lệ LĐ có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu LĐ phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường. “Việc thay đổi kỹ năng của LĐ phụ thuộc công tác đào tạo, nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên thị trường LĐ. Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại DN được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng LĐ hiện tại”, ông Công nói.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành Manpower Group Việt Nam, cho hay tỷ lệ LĐ có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, cho thấy kỹ năng chuyên môn của người LĐ còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của LĐ ngày càng cao. Ngoài kỹ năng nghề, theo ông Sơn, tỷ lệ LĐ sử dụng được tiếng Anh chỉ chiếm 5%, dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng LĐ Việt Nam còn hạn chế. “LĐ Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các DN đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của LĐ còn thấp. Theo khảo sát của Manpower, có 57% DN đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng”, ông Sơn nhìn nhận.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt LĐ kỹ năng, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam gợi ý: “Việt Nam cần cải thiện hệ thống LĐ để số lượng LĐ tốt nghiệp cao học cao hơn, đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng LĐ. Bên cạnh đó, đào tạo LĐ có những kỹ năng mới, như: kỹ năng số, kỹ năng xã hội, kỹ năng học tập chất lượng cao và kỹ năng xanh...; tăng cường mối quan hệ liên kết với các DN trong thiết kế các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng”.

Khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ghi nhận thị trường LĐ Việt Nam có những bước phát triển, song Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận thị trường chưa theo kịp được yêu cầu phát triển KT-XH; chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý thực trạng thiếu hụt cả kỹ năng nghề và kỹ năng sống của LĐ trẻ hiện nay và cho rằng cần đẩy mạnh phân luồng, bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân LĐ, chú trọng đào tạo cả kỹ năng nghề và kỹ năng sống. “Hiện nay, chương trình phục hồi và phát triển đang dành khoảng 2.000 tỉ đồng cho việc đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm và dự kiến sẽ bố trí thêm, chủ trương của chúng ta là không tiếc kinh phí cho việc này, nhưng sử dụng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả”, Thủ tướng khẳng định.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số “vàng”, Thủ tướng yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng GD-ĐT, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường LĐ thế giới. “Cần quan tâm tới việc dịch chuyển LĐ, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ LĐ việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển LĐ, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém... Triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người LĐ ở khu công nghiệp và các TP lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.