Cần tăng sân chơi lành mạnh cho trẻ em

Vũ Thơ
Vũ Thơ
20/12/2024 07:00 GMT+7

Có một hội nghị thảo luận về các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Cụ thể các nội dung: cần chú trọng hơn việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; tăng thời lượng hoạt động ngoại khóa, các giờ học thực hành kỹ năng sống và tổ chức thêm các hoạt động dã ngoại...

Thiếu nhi cần điều kiện phát triển toàn diện

Ngày 19.12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần thứ 3 khóa IX của Hội đồng Đội T.Ư. Chủ trì hội nghị có chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; anh Lê Hải Long, Trưởng ban Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư.

Cần tăng sân chơi lành mạnh cho trẻ em- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu tại hội nghị

ẢNH: QUANG TRƯỜNG

Hội nghị đã bàn thảo về nhiều nội dung, trong đó có báo cáo tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của trẻ em năm 2024 và báo cáo về thực trạng nhà thiếu nhi ở các địa phương. Theo đó, qua tổng hợp các báo cáo tình hình trẻ em, ý kiến, nguyện vọng trẻ em cho thấy trẻ em đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm đến việc tạo lập môi trường học tập, rèn luyện để trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực cá nhân. Cụ thể, chương trình học cần chú trọng hơn việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; tăng thời lượng hoạt động ngoại khóa, các giờ học thực hành kỹ năng sống và tổ chức thêm các hoạt động dã ngoại. Trang bị thêm sách, báo cho thư viện trường học và cải thiện chất lượng học ngoại ngữ, tin học, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn.

Về vấn đề bảo vệ trẻ em, các em kiến nghị trẻ em cần được bảo vệ an toàn trên không gian mạng, cần trang bị kiến thức và kỹ năng để sử dụng internet an toàn. Nhà trường, gia đình và xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát và giáo dục trẻ em khi tham gia không gian mạng; đề nghị lên án và xử lý mạnh mẽ các ứng dụng, trang web có nội dung độc hại.

Đối với vấn đề bạo lực học đường, trẻ em đề nghị tăng cường giáo dục kỹ năng xử lý xung đột thông qua các buổi học giúp học sinh biết cách giải quyết mâu thuẫn, tôn trọng sự khác biệt và xây dựng tình bạn lành mạnh. Bên cạnh đó, cần có đường dây nóng hỗ trợ học sinh để khi bị bạo lực có thể chia sẻ mà không lo bị kỳ thị hay trả thù. Trẻ em cũng đề nghị phát triển các trung tâm tư vấn tâm lý học đường và bố trí bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp để hỗ trợ học sinh.

Đặc biệt, trẻ em có nhiều kiến nghị về vấn đề vui chơi, giải trí lứa tuổi mình. Trẻ em tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đề nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư xây dựng thêm các điểm sinh hoạt, vui chơi dành riêng cho trẻ em tại trên địa bàn dân cư, tăng cường các sân chơi lành mạnh trên môi trường mạng.

Thiếu không gian vui chơi, giải trí

Phát biểu tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều thống nhất với các báo cáo và cho rằng trong thời gian qua, công tác Đội có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều mô hình hay, sáng tạo như một làn gió mới trong công tác chăm sóc và bảo vệ thiếu nhi. Trong đó, Hội đồng Đội đã tổ chức được nhiều chương trình để lắng nghe tiếng nói của trẻ em và để các em thể hiện quyền của mình như chương trình Quốc hội trẻ em. Từ đó, tiếng nói của trẻ em về vấn đề nóng trong xã hội đã được lắng nghe và thúc đẩy việc giải quyết trong thực tế.

Ông Hà Đình Bốn, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cho biết có nhiều vấn đề của xã hội còn gây tranh cãi, nhưng khi trẻ em lên tiếng thì cơ quan chức năng đã tiếp thu và giải quyết. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng hiện nay vấn đề bảo vệ trẻ em, tạo môi trường vui chơi giải trí cho trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều đại biểu cho biết hiện trẻ em đang thiếu nơi vui chơi, rèn luyện trong khi đó các thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi ngày càng bị thu hẹp.

Ông Nguyễn Đình Kiểm (Giám đốc Trung tâm hướng dẫn hoạt động thiếu nhi T.Ư) cho biết thời gian qua, hệ thống cung, nhà thiếu nhi đã giảm gần một nửa, từ hơn 200 xuống còn 126. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sân chơi cho thiếu nhi và cần có nhìn nhận rõ hơn về vai trò của nhà thiếu nhi. "Phải có nghị định của Chính phủ để thay thế hệ thống văn bản cũ và bảo vệ những nhà văn hóa dành cho thiếu nhi", ông Kiểm nêu quan điểm.

Ông Đồng Mạnh Hùng (Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài tiếng nói VN) cũng cho biết hiện có rất ít chương trình giải trí cho thiếu nhi, đặc biệt ở trên các cơ quan truyền thông. Nhiều chương trình ý nghĩa đã bị mất đi như chương trình Những bông hoa nhỏ hay chương trình Phát thanh thiếu nhi… "Trong bối cảnh cần sắp xếp tinh gọn bộ máy như hiện nay, khi bỏ bớt những chương trình không cần thiết, cần nghiên cứu, kiến nghị để có kênh chuyên đề dành cho thiếu nhi. Khi có diễn đàn thì thiếu nhi mới có điều kiện nói lên tiếng nói của mình", ông Hùng góp ý.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết các ý kiến của đại biểu sẽ được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiếp thu, thảo luận, để có thể kiến nghị các bộ, ngành giải quyết. Chị Nguyễn Phạm Duy Trang cũng nhìn nhận các ý kiến đều xác đáng, Hội đồng Đội sẽ tiếp thu đầy đủ, hợp lý để đưa vào hệ thống văn bản triển khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.