Cần tây giúp ích trong phòng và điều trị ung thư

Ngọc Lam
Ngọc Lam
17/04/2018 15:31 GMT+7

Trên thực tế, nhiều nơi dùng cần tây để làm tăng thêm hương vị cho món ăn.

Tuy nhiên, khi nói đến giá trị dinh dưỡng, loại rau đơn giản này là một nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng thực vật khác mà khoa học khẳng định có thể ngăn chặn tế bào ung thư vú phát triển.
Theo naturalnews, cần tây chứa các vitamin và khoáng chất cần thiết: Vitamin K, vitamin C, vitamin A, vitamin B6, vitamin B2, kẽm, canxi, magiê, mangan, đồng, phốt pho và chất xơ.
Ngoài ra, cần tây cũng có một số đặc tính độc đáo mà các chuyên gia dinh dưỡng phân loại nó như là một thực phẩm chứa chất chống ô xy hóa và chống viêm. Nghiên cứu đã xác định gần một chục các chất dinh dưỡng phenol chống ô xy hóa có thể ngăn các mạch máu, các cơ quan và các tế bào ô xy hóa.
Theo một nghiên cứu mới đây đăng trên Fox News, 74% người Mỹ có vấn đề về chỉ số đường huyết - GI. Cần tây có thể là trợ giúp đáng kể cho ruột vì nó có thể làm dịu viêm hệ tiêu hóa từ pectin bên trong cần tây. Một báo cáo năm 2010 được công bố trên tạp chí Pharmaceutical Biology (Sinh học Dược) cho thấy flavonoid trong cần tây có thể bảo vệ lớp lót của đường tiêu hóa khỏi loét. Các nghiên cứu khác đã phát hiện apiuman, chất polysaccharide tìm thấy trong cây cần tây, giúp cân bằng các chất tiết dạ dày trong mô hình động vật.
Một nghiên cứu của Anh năm 2009 cũng cho thấy khẩu phần cần tây có thể chống lại các bệnh dạ dày như H.Pylori. Và vẫn còn các cuộc nghiên cứu khác cho thấy cần tây có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, nhận thức và chức năng gan.
Nhưng còn ung thư thì sao? Hóa ra là cần tây có chứa các chất chống ung thư, dưới dạng hai flavonoid apigenin và luteolin.
Một nghiên cứu năm 2016 do Đại học Quốc gia Pusan ở Busan (Hàn Quốc) và công bố trên Tạp chí Phòng chống Ung thư cho thấy apigenin (có trong cần tây cũng như trong các loại rau khác) có các tính chất chống ung thư mạnh. Cụ thể, chất flavonoid này có khả năng kiểm soát sự gia tăng tế bào ung thư thông qua việc "điều hòa phản ứng tế bào đối với stress ô xy hóa và suy giảm ADN, ức chế viêm và hình thành mạch, phản ứng với cơ chế thực bào và diệt tế bào".
Một nghiên cứu khác về ung thư vú HER2 tại Đại học Missouri (Mỹ)đã đưa ra giả thuyết rằng cần tây có thể là một phương pháp điều trị không độc đối với ung thư vú vì nó có khả năng làm giảm yếu tố tăng trưởng mạch máu (VEGF). VEGF là một cơ chế quan trọng để kích thích các mạch máu và mô ở trẻ đang lớn. Tuy nhiên, ở người lớn, quá nhiều VEGF có thể làm tăng trưởng khối u. Các nghiên cứu khác khẳng định rằng flavonoid từ cần tây có khả năng diệt tế bào ung thư vú.
Những gì các nghiên cứu này và các nghiên cứu khác chứng minh là ăn cần tây có khả năng ảnh hưởng đến tế bào ung thư và các cơ chế thúc đẩy chúng bằng nhiều cách, và ở cấp độ phân tử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.