Cẩn thận 'ăn phạt' khi nhập cảnh nước ngoài

20/10/2019 09:00 GMT+7

Để phòng ngừa dịch bệnh và rủi ro sinh học, nhiều nước như Mỹ, Úc... kiểm soát rất chặt việc mang các hàng hóa nông sản, thịt gia cầm, trứng... vào nội địa. Chính vì thế, nếu không để ý, người nhập cảnh có thể bị phạt nặng. .

Mới đây, Úc đã trục xuất một phụ nữ 45 tuổi người Việt sau khi phát hiện bà này mang 4,6 kg thịt heo cùng với trứng trong hành lý khi nhập cảnh nhưng không khai báo. Đây không phải là trường hợp hiếm hoi trong cộng đồng người Việt bị xử phạt vì các lý do tương tự.

Bị phạt 500 USD vì 1 quả xoài

Bà Huỳnh Thiềm (ngụ Đà Nẵng) kể lại trong chuyến đến Mỹ thăm con gái cuối năm 2016, bà có đem theo vài trái quýt từ VN trong giỏ xách tay để ăn lúc đi đường. Tuy nhiên, trên chuyến bay, bà không kịp ăn quýt. Lúc nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế San Francisco (bang California, Mỹ), nhân viên hải quan hỏi bà có mang theo gì trong giỏ xách tay không khi giỏ đi qua máy quét. Do không nhớ mấy trái quýt vẫn còn trong giỏ, nên bà nói không. Vì thế, khi nhân viên này kiểm tra giỏ và phát hiện mấy trái quýt, thì họ lập tức lấy hết mọi hành lý ký gửi của bà, kể cả hành lý đã qua máy quét, để lục xét lại.
Cẩn thận “ăn phạt” khi nhập cảnh nước ngoài

Làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Los Angeles (California, Mỹ)

Ảnh: Xuân Hà

Sau khi bà Thiềm cho biết mình không nhớ có quả quýt trong giỏ cũng như không rành luật Mỹ, các nhân viên công vụ nói rằng vì bà lớn tuổi và cũng lần đầu đến Mỹ nên họ không xử phạt.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được thông cảm như bà. Một Việt kiều sống tại bang Maryland (Mỹ) cho biết một người bạn có lần về VN chơi và được người thân nhét xoài vô hành lý mà chị này không hay. Khi nhập cảnh ở Maryland, các nhân viên hải quan phát hiện trái xoài liền xử phạt 500 USD (gần 12 triệu đồng).

Trứng gia cầm là “hàng cấm”

Bên cạnh trái cây thì trứng gia cầm cũng bị xem là một món “đại kỵ”. Một người họ Trần từ VN sang Mỹ thăm nhà người thân. Khi qua máy quét nông sản trong quy trình làm thủ tục hải quan ở sân bay Los Angeles (California), ông bị thông báo có mang theo “hàng cấm”. Tiếp đó, nhân viên công vụ lục soát hành lý của ông và lấy ra “hàng cấm” là 3 túi bánh pía. Bẻ bánh ra, phía hải quan chỉ ra lòng đỏ trứng muối bên trong và giải thích đây là “hàng cấm” không được mang vào Mỹ.
Tương tự tại Úc, một người Việt ở Melbourne kể cách đây khoảng 7 năm, một người quen đã bị hải quan ở Melbourne phạt 500 AUD (gần 8 triệu đồng) vì trong giỏ xách tay còn sót 1 quả trứng luộc người này mang theo ăn dọc đường.
Cẩn thận “ăn phạt” khi nhập cảnh nước ngoài

Lực lượng Biên phòng Úc kiểm tra hành lý tại sân bay

Ảnh: ABF

Chị Xuân Hà (ngụ Q.3, TP.HCM), thường qua Mỹ công tác và thăm thân nhân, cho biết trứng là một trong các món “đại kỵ” khi nhập cảnh xứ cờ hoa. Qua tìm hiểu quy định sở tại, chị cho biết: “Các loại trứng bất kể sống chín, lạt hay lộn. Kể cả trứng trong bánh bao, bánh trung thu, bánh các loại có trái trứng...” thì đều bị cấm mang vào Mỹ.

Cẩn thận với thịt heo, tổ yến...

Tương tự, thịt heo cũng là thứ khiến nhiều người Việt gặp trục trặc khi nhập cảnh nước ngoài. Trần Ngọc Hùng, một du học sinh tại Úc, cho biết anh vẫn không thể quên được chuyện bị giữ lại ở sân bay quốc tế Melbourne cách đây 2 tháng. “Lúc đó, tôi rất lo sợ vì đã cố gắng đọc hết quy định nhập cảnh, nhưng không nhớ hết”, anh Hùng cho hay.
Lực lượng Biên phòng Úc (ABF) kiểm tra toàn bộ hành lý vì nghi ngờ anh Hùng mang theo vật phẩm bị cấm mà không khai báo. Đáng chú ý vật phẩm khả nghi là các gói mì ăn liền có bao bì in hình thịt heo. Anh chỉ được cho qua sau khi ABF kiểm tra và xác định trong gói mì không có thịt.
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa, sinh viên Đại học Sydney (Úc), từng mang theo vài hộp thịt heo hầm có nhãn mác rõ ràng, nhưng không khai báo hồi đầu năm nay. Hậu quả là ABF kiểm tra hành lý, buộc chị bỏ hết tất cả đồ hộp vào sọt rác nếu muốn nhập cảnh. “Họ nói lẽ ra tôi phải điền vào phiếu khai báo và lần này chỉ nhắc nhở”, chị Hoa cho hay.
Chị Ann Nguyen kể lại sự cố khi quay về bang Hawaii (Mỹ) sau chuyến thăm người thân ở VN mới đây. Về thăm quê, bà con gửi cho nhiều món đặc sản mang theo, trong đó có một người dì tự tay làm hũ chà bông. Khi đi qua cửa khẩu ở sân bay Honolulu (Hawaii), chị Ann bị chặn lại và hải quan hỏi rằng: “Đây là cái gì?”. Chị trả lời: “Chà bông”. Viên chức hỏi tiếp: “Nó làm bằng gì?”. Chị Ann mới bảo hình như làm từ thịt heo. Thế là viên chức này cười bảo rằng: “Xin lỗi, chị không mang nó vào được”, và quẳng hộp chà bông vào thùng rác, đồng thời cảnh báo rằng theo quy định thì chị có thể bị xử phạt.
Một món hàng khiến một số người Việt đã phải “trả giá” đắt khi nhập cảnh Mỹ là tổ yến. Chị T.H (đang định cư tại California, Mỹ) cho biết một số người Việt vẫn cố gắng tìm cách đưa tổ yến vào Mỹ để sử dụng hoặc cho tặng dù biết đây là “hàng cấm”. Một người bà con của chị H. từng 2 lần tìm cách “ngụy trang” tổ yến trong món khô khác để nhập cảnh Mỹ. Nhưng về sau, khi mức phạt tăng lên hàng ngàn USD nếu bị phát hiện thì người này không dám nữa. Tuy vậy, không phải ai cũng mang tổ yến trót lọt vào Mỹ.
Hồi năm 2016, website của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP - cơ quan chịu trách nhiệm thực thi các biện pháp nhằm ngăn chặn bất kỳ nguy cơ lây lan sâu bọ và mầm bệnh gia súc từ nước ngoài qua các cửa khẩu quốc tế) thông báo về vụ tịch thu 30 tổ yến của một hành khách trên chuyến bay từ VN đến phi trường George Bush (TP.Houston, bang Texas). Vài tháng sau, vụ tương tự tái diễn ở sân bay Dallas-Fort Worth vào ngày 18.5.2017, lần này là một phụ nữ VN mang theo 63 tổ yến không khai báo. Đến ngày 12.10.2017, CBP tiếp tục loan tin về một trường hợp mang lậu 54 tổ yến khác cũng diễn ra ở sân bay này. Tất cả tổ yến đều bị hủy tại chỗ và những người vi phạm đều bị phạt 300 USD. Thậm chí có trường hợp một hành khách gốc Việt bị chặn tại cửa khẩu vì mang theo 123 lọ nước yến uống liền.

Hậu quả không chỉ là bị phạt

Một người thường xuyên ra vào Mỹ chia sẻ kinh nghiệm rằng ngoài các vật dụng cá nhân và quần áo, cần tìm hiểu kỹ quy định nước này trước khi mang bất cứ thứ gì khác, đặc biệt là những thực phẩm hay có hóa chất. Và tốt hơn hết là chủ động khai rõ khi nhập cảnh, dù đó có thể đơn giản là thuốc đau bụng, đau đầu mang theo dự phòng.
Một luật sư tại Washington D.C (Mỹ) cảnh báo việc vi phạm quy định khai báo hàng hóa hay mang theo vật phẩm nông sản bị cấm vào Mỹ có thể bị “lưu tên” trong dữ liệu nhập cảnh khiến những lần sau vào nước này sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Điều đó khiến người vi phạm sẽ chịu nhiều phiền toái hơn về sau.
Các du học sinh Việt tại Úc chia sẻ rằng nếu như không biết chắc vật phẩm nào được mang vào xứ sở kangaroo thì tốt nhất, nên khai báo hết mọi thứ trên tờ khai nhập cảnh. Kể từ ngày 17.4.2019, Úc áp dụng luật mới, theo đó cắt ngắn thời hạn hoặc hủy bỏ ngay lập tức thị thực nếu người nước ngoài không khai báo vật phẩm bị cấm.
Website của ABF (www.abf.gov.au) cập nhật chi tiết tất cả vật phẩm bị cấm mang vào nước Úc. ABF cảnh báo nếu người nước ngoài không khai báo vật phẩm bị cấm hoặc có mối đe dọa an toàn sinh học cao, thì visa sẽ bị cắt ngắn thời hạn hoặc hủy bỏ dẫn đến trục xuất theo luật mới. Theo ABF, nếu người nhập cảnh khai báo không đúng sự thật thì có thể bị bắt giữ, truy tố, phạt hành chính lên đến 420.000 AUD (khoảng 7 tỉ đồng) và án tù 10 năm.
 

Không mang “hàng fake” đi Nhật

Chia sẻ về trải nghiệm đáng nhớ của mình, chị V.T sống tại TP.Nagoya (tỉnh Aichi, Nhật Bản), kể lại cách đây vài tháng, khi về VN, chị có mang sang Nhật một ít quần áo và giày để làm quà. Đến sân bay thì bất ngờ hành lý ký gửi chứa số đồ này bị kiểm tra. “Tôi mang qua khoảng 10 bộ đồ thể thao và 3 đôi giày có tên một thương hiệu nổi tiếng. Khi đến sân bay thì bị bên an ninh giữ lại và kiểm tra nguồn gốc xuất xứ. Số đồ này được mua ở chợ, không có hóa đơn nên đã bị tịch thu”, chị T. kể và cho biết thêm Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng nghiêm khắc nên từ lâu chị rất quan tâm đến quy định nhập cảnh của nước này. Tuy nhiên về quy định kiểm tra nguồn gốc của những món đồ có thương hiệu nổi tiếng, theo chị T., chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây.
Theo trang Livejapan, người nhập cảnh nếu mang theo những mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ như sản phẩm đạo nhái thương hiệu vào Nhật Bản sẽ được xem là bất hợp pháp. Ngay cả khi bạn tin rằng món đồ của mình là hàng thật, nếu bị hải quan kiểm tra và phát hiện là đồ giả thì cũng bị tịch thu ngay.  
Thanh Lương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.