Muôn kiểu lừa đảo tìm việc
Trên mạng xã hội không khó để tìm kiếm các việc làm thêm dành cho sinh viên (SV) trong dịp tết. Các công việc tuyển SV thời điểm này là các ngành nghề nhân viên bán hàng, đóng gói bánh kẹo, trực tổng đài chốt đơn bán hàng, trả lời tin nhắn, nhân viên tiệm giặt là… Mức lương tính theo giờ từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ, hoặc theo ngày từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày với các lời mời: “Bạn mong muốn có một cái tết ấm no đong đầy”, “Bạn muốn tìm một công việc để phát triển bản thân”, “Làm giờ hành chính việc nhẹ, không áp lực, không cần kinh nghiệm, thu nhập từ 6 - 15 triệu đồng”, “Làm thêm bán thời gian, lương 100.000 đồng/ca, hỗ trợ tiền điện thoại, tặng quà, tiền thưởng… tuyển cộng tác viên ngân hàng thu nhập 12 - 14 triệu đồng/tháng; tuyển nữ làm thêm giờ, 200.000 đồng/ngày, việc không vất vả nhiều thời gian rảnh”.
Điều đáng nói là những cá nhân đăng tin tuyển dụng thường không có địa chỉ, chỉ để lại số điện thoại hoặc nhắn tin. Yêu cầu tuyển dụng khá dễ dàng, không cần kinh nghiệm, không cần thử việc và đánh trúng tâm lý của các bạn trẻ đang nôn nóng tìm việc.
L.T.T.H, SV Trường ĐH Thủy lợi, kể: “Thấy thông tin tuyển SV đóng gói bánh kẹo, lương trả theo giờ 25.000 đồng/giờ. Mình đăng ký luôn, nhưng khi đến nộp hồ sơ họ yêu cầu mình nộp tiền làm hồ sơ, tiền đồng phục, tiền làm thẻ… tổng cộng là 800.000 đồng. Nộp vào mới biết rất khó rút ra, sau nhiều lần hứa hẹn, người công ty nói chỗ làm đã đủ người và chuyển mình sang phát tờ rơi. Mình không chịu, đòi lại tiền, họ chỉ trả lại 300.000, còn tiền hồ sơ, tiền làm thẻ coi như mất”.
P.A.Q, SV Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ, chia sẻ: “Ban đầu, họ hứa hẹn nhân viên kinh doanh phát triển thị trường, lương cứng 4 triệu, nếu bán được hàng sẽ được thưởng hoa hồng theo doanh số có thể lên đến 12 - 15 triệu đồng/tháng. Với lý do sợ thất thoát sản phẩm, họ yêu cầu phải đặt cọc 5 triệu. Mình vay mượn gia đình và bạn bè đặt tiền vào đấy, hàng không bán được họ trừ dần vào tiền đặt cọc”.
Mới đây nhất, vụ một nữ sinh ở Hà Nội bị lừa đi phát tờ rơi tại khu chung cư, sau đó bị cưỡng hiếp 3 lần. Theo lời khai tại cơ quan điều tra, cuối tháng 12.2020, Đào Văn Thắng (Hưng Yên) lên các nhóm tìm việc làm thêm để dụ các nữ sinh đi phát tờ rơi. Ngày 16.1, Thắng hẹn chị H. đến khu chưng cư tại Q.Hoàng Mai, sau đó sàm sỡ, ép quan hệ tình dục trong cầu thang bộ.
Trước đó, cuối tháng 12.2020, Công an Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng đã bắt giữ một nhóm đối tượng lập Facebook ‘‘Tuyển nhân viên - cộng tác viên - trên toàn quốc’’ đăng các bài tuyển người làm việc tại nhà, trả lương qua tài khoản ngân hàng. Nếu ai có nhu cầu xin việc, nhóm này yêu cầu họ phải liên kết tài khoản ngân hàng với đường dẫn với lý do để trả lương. Song, trên thực tế nhóm này nhằm mục đích chiếm đoạt tiền từ tài khoản của người tìm việc.
Công việc làm thêm nào dễ bị lừa đảo ?
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng phòng Hành chính - Tổ chức (Trung tâm hỗ trợ SV ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết những năm gần đây, nhu cầu tìm việc làm thêm của SV tương đối lớn, đặc biệt là trong dịp tết. Tuy nhiên, không ít bạn đi tìm việc bị thu phí cao hoặc bị trung tâm tư vấn lừa đảo. Ông Hùng chia sẻ: “Có nhiều doanh nghiệp tìm đến chúng tôi tuyển dụng SV làm thêm mùa vụ hoặc làm theo giờ. Chúng tôi mong muốn lựa chọn doanh nghiệp uy tín, phù hợp với nhu cầu của SV nên thường yêu cầu các đơn vị này phải có giấy phép kinh doanh, thông báo tuyển dụng dấu đỏ, yêu cầu, chỉ tiêu tuyển dụng, các quyền lợi dành cho SV… Những đơn vị nào không đáp ứng được những yêu cầu trên hoặc giấy tờ không đầy đủ chúng tôi đều từ chối không hợp tác”.
Ngoài ra, theo ông Hùng, công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh báo cho SV khi đi làm thêm cũng được các ký túc xá tăng cường trước, trong và sau tết. “Nhận thức của SV về cơ bản cũng tốt hơn rất nhiều, song cảnh báo không bao giờ là thừa. Ban đại diện SV tại các ký túc xá cũng thường xuyên khuyến cáo thêm những trường hợp bị lừa đảo, nhắc nhở SV thận trọng hơn trong khi đi làm thêm”, ông Hùng thông tin.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB-XH Hà Nội), thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo không mới, chúng thường đánh vào tâm lý của các bạn trẻ đang có nhu cầu tìm việc, nhất là các SV nữ học năm thứ nhất chưa có nhiều kinh nghiệm sống và trải nghiệm làm thêm. Ông Thành cho hay: “Nếu như trước đây, các đối tượng thường thuê văn phòng ở các khu dân cư dụ người xin việc đến để “bẫy”, thì nay khi mạng xã hội phát triển, các thông tin tuyển dụng tràn lan trên các mạng xã hội hay kênh tuyển dụng online khiến người tìm việc khó có thể phân biệt được đâu mới là nơi tuyển dụng đáng tin cậy”.
Ông Vũ Quang Thành khuyến cáo các công việc làm thêm mà các đối tượng hay lừa đảo SV thường là những công việc khá nhẹ nhàng như: phát tờ rơi, trực tổng đài điện thoại, gấp phong bì, nhặt bóng sân tennis, nhân viên bán vé máy bay, nhân viên bán xăng dầu… Trong khi mức lương, chế độ đưa ra lại vô cùng hấp dẫn mà nhiều SV không hề nghi ngờ.
Không thể có việc nhẹ lương cao
Ông Thành khuyến cáo: “Các bạn trẻ phải tỉnh táo khi đi xin việc, đặc biệt cần phải tìm hiểu kỹ thông tin công ty mình sẽ đi làm hoạt động như thế nào, địa chỉ ở đâu, kinh doanh sản phẩm gì, có uy tín không? Khi hẹn phỏng vấn, tuyệt đối không nhận lời gặp gỡ riêng tư tại quán cà phê, quán ăn hay các địa chỉ ngoài trụ sở công ty. Đặc biệt, phải cảnh giác xem xét kỹ hợp đồng, không có chuyện công việc nhẹ nhàng mà lương cao”.
|
Bình luận (0)