Cần thiết hỗ trợ học phí học sinh tiểu học tư thục và công lập tự chủ

Ít ai biết về chính sách "ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí". Rất cần thiết áp dụng chính sách này trong thời điểm hiện nay.

Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01.7.2020) có một chính sách mới rất có ý nghĩa, nhân văn, rút ngắn khoảng cách giữa trường công – tư trong bối cảnh về chính sách xã hội hóa hoạt động giáo dục đối với học sinh tiểu học. Đó là quy định tại Khoản 3 Điều 99 “Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định”.

Cần thiết hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tư thục và công lập tự chủ theo Luật Giáo dục

p.q.v

Những tác động của chính sách

Quy định này tạo sẽ tạo sự công bằng xã hội trong giáo dục, bình đẳng giữa các loại hình nhà trường và cho tất cả các học sinh tiểu học, sẽ giảm áp lực về tài chính với các gia đình học sinh tiểu học đang khó khăn trong việc tiếp cận trường công, có tác động tích cực sự phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập. Nó cũng giảm áp lực về sĩ số học sinh của các trường công lập, giảm gánh nặng của ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất và con người ở các trường công lập.

Đây là quy định tưởng chừng đơn giản, nhưng đó là sự thay đổi tư duy rất lớn về đầu tư cho giáo dục, vì những lý do chính:

Thứ nhất, Điều 61 Hiến pháp năm 2013 quy định “giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí”, đã là giáo dục bắt buộc, thì người học không phải nộp học phí và trường công và tư đều được hưởng chế độ như nhau. Đây là yếu tố bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục.

Ngược dòng lịch sử, Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam đã ghi nhận: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí”, điều này thể hiện rõ quan điểm nhất quán của nhà nước, bởi những “lợi ích” của giáo dục mang lại rất lớn, đó là vì con người và trình độ dân trí, văn hóa, bản sắc dân tộc. Quy định học tiểu học là bắt buộc, tức là nghĩa vụ học tập, nên về nguyên tắc nhà nước phải đảm bảo điều kiện học tập cho các em.

Thực tế, thời gian qua, nhà nước không có đủ điều kiện đảm bảo trường công cho tất cả học sinh tiểu học, và trường tư đã đóng góp một phần quan trọng trong vấn đề này. Vì vậy, cha mẹ của học sinh theo học trường tư, trong một chừng mực nào đó, họ vẫn đóng thuế và các khoản đóng góp khác cho xã hội, thậm chí đóng góp rất nhiều, nhưng con họ không được “nhận lại” phần chăm sóc giáo dục, thì rõ ràng không công bằng.

Thứ hai, thực tiễn dân số Việt Nam thời gian qua tăng nhiều, cũng như sự dịch chuyển dân số cũng làm mất cân đối về cơ sở vật chất cho giáo dục, nhất là các đô thị, khu công nghiệp không đủ trường, đủ lớp cho học sinh tiểu học. Điều này, buộc lòng cha mẹ phải cho con học trường tư. Nên ở những khu vực mà thiếu trường công trầm trọng, chúng ta cần “thấu hiểu” và cũng biết ơn phụ huynh học sinh trường tư. Vì nếu tất cả đều kiên quyết cho con theo học trường công như Luật định, khi nào cơ sở vật chất thiếu, thì chắc chắn sĩ số lớp học sinh trong lớp sẽ không đảm bảo, hoặc chỉ có thể học 1 buổi, lúc đó, chất lượng giáo dục sẽ không được đảm bảo.

Trường tư đang gánh vác số học sinh không học trường công, đảm bảo sĩ số lớp, chất lượng giáo dục

P.Q.V

Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến cuối năm học 2019 - 2020, TP.HCM có hơn 23.142 HS bậc tiểu học đang học tại các trường ngoài công lập, và các trường công lập tại TP.HCM thì đã đủ chỗ. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì địa phương nào chỉ hỗ trợ học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, nên tại TP.HCM sẽ có khoảng gần 23.000 HS sẽ được hỗ trợ học phí nếu quy định trên được áp dụng.

Thứ ba, một trong những chính sách nhất quán của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam là coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Do đó ngân sách nhà nước luôn luôn là nguồn tài chính chủ yếu để đảm bảo hoạt động cho các cơ sở giáo dục, và quy định hiện nay nhà nước bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Những nơi đủ trường công lập có nên hỗ trợ học phí ?

Để xác định chính xác số chỗ bị thiếu hay không, cần xác định con số chính xác trên tổng số học sinh tiểu học trong năm của địa phương với tổng số học sinh tiểu học mà cơ sở sở vật chất trường công lập đáp ứng nhu cầu theo định mức chuẩn sĩ số học sinh. Nếu cơ sở giáo dục công lập hoàn toàn đáp ứng được chỗ học cho học sinh tiểu học thì không chi hỗ trợ, phụ huynh lựa chọn trường tư tự "gánh chịu".

Còn ngược lại, nếu không đủ chỗ học cho học sinh (theo chuẩn hiện nay là 35 học sinh/lớp) thì sẽ phải ban hành hỗ trợ. Vậy cơ sở tính theo đơn vị cấp huyện hay cấp tỉnh?

Đây là câu hỏi khó. Tuy nhiên, bước đầu nên tính theo tỉnh để HĐND tỉnh thuận lợi hơn trong việc ban hành chính sách. Sau đó, có căn cứ vào khoảng cách hợp lý từ nơi ở học sinh đến trường học để tính là phù hợp nhất. Trường hợp ở các huyện ngoại thành, trường công dư chỗ học, nhưng phụ huynh chủ động cho con học trường tư thục trong nội thành thì về nguyên tắc không được hỗ trợ. Hoặc giả sử, nhiều phụ huynh có điều kiện cho con học trường quốc tế với mức học phí rất cao và khu vực đó không đủ chỗ trong trường công cho học sinh tiểu học, thì những học sinh này vẫn nhận được hỗ trợ học phí.

Để triển khai các quy định trên, tháng 8.2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 15.10.2021) về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong Nghị định có nêu khung học phí tiểu học ở đô thị trong năm 2022-2023 từ 300.000 đến 540.000 đồng/tháng. HĐND cấp tỉnh căn cứ vào quy định của Nghị định này quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập.

Những nơi đủ trường tiểu học công lập có nên hỗ trợ học phí?

N.l

Gần đây, vào ngày 9.12.2021, HĐND tỉnh Phú Yên đã ban hành Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND trong đó có quy định hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập, dựa trên mức học phí đối với cấp tiểu học công lập làm căn cứ để tính ở thành thị 300.000 đồng/tháng, ở nông thôn 100.000 đồng/tháng. Trước đó, ngày 29.10, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết 15/2021/NQ-HĐND có quy định hỗ trợ học phí đối với học sinh tiểu học ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ bằng mức thu học phí đối với học sinh của cấp trung học cơ sở công lập năm học 2021 - 2022 theo quy định tại Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND...

Vì vậy, sắp tới HĐND các địa phương sẽ tiến hành nghị quyết về vấn đề này, hy vọng các cơ sở giáo dục tiểu học tư thục theo dõi để nắm bắt quy định này và thực hiện theo.

Việc hỗ trợ nên được tính như thế nào?

Phương thức chi trả tiền hỗ trợ đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục được quy định ở Nghị định 81/2021/NĐ-CP, sau khi số lượng học sinh được hỗ trợ và mức hỗ trợ được HĐND tỉnh phê duyệt, Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm rút dự toán tại kho bạc để chuyển khoản cho cơ sở giáo dục tiểu học tư thục. Các trường tiểu học tư thục chịu trách nhiệm chi trả cho đúng đến các học sinh được hỗ trợ học phí.

Về nguyên tắc, số tiền nhà nước hỗ trợ trên mỗi học sinh tư thục là số tiền tương ứng với mức chi cho học sinh công lập. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn. Tức là sẽ hỗ trợ học phí bằng định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách đối với học sinh tiểu học theo Nghị quyết của HĐND TP (có điều chỉnh theo mức lương cơ sở hàng năm), nguồn kinh phí sẽ từ ngân sách của địa phương.

Mức hỗ trợ theo số tháng thực học tại trường (tối đa không quá 9 tháng/năm học). Tham khảo theo Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND ngày 10.12.2016 của UBND TP.HCM thì định mức phân bổ chi ngân sách lĩnh vực giáo dục năm 2017 của thành phố với học sinh tiểu học là 5.073.000 đồng/học sinh/năm. Tức là nếu chi giống với mức quy định tại QĐ 56 trên cho 23.000 học sinh tiểu học tư thục tại TPHCM, thì mỗi năm ngân sách TP.HCM chi hơn 115 tỉ đồng.

Tiền hỗ trợ được đến trực tiếp các phụ huynh, mà các cơ sở tư thục chỉ là trung gian. Tuy nhiên, tránh tình trạng không minh bạch, lạm dụng chính sách để trục lợi, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cũng cần bổ sung xử phạt nhóm các hành vi vi phạm liên quan lĩnh vực này, để chính sách thực sự đúng ý nghĩa nhân văn, bình đẳng.

Tại sao không xây trường công lập mà lại hỗ trợ trường tư?

Đây là một vấn đề cần suy nghĩ. Tuy nhiên, để xây được một trường công lập, cần rất nhiều ngân sách và thời gian, trong khi quỹ đất trong nội thành không còn nhiều để xây dựng, việc việc tăng dân số, việc di dân vào các đô thị nhiều làm dân số tăng nhanh, và chính quyền sở tại phải áp lực đủ các vấn đề từ y tế, giáo dục, an sinh xã hội…, nên đòi hỏi đầy đủ hết là một bài toán cực khó. Vì vậy, sự ra đời của trường tư cũng có nguyên do.

Quan sát khu vực nông thôn sẽ thấy rất ít trường tư vì trường công luôn đủ chỗ cho học sinh tiểu học và không có vấn đề gì để chính quyền phải suy tính, thậm chí nhiều trường công ở nông thôn thiếu học sinh phải sát nhập các điểm trường. Vì vậy, chính sách này chỉ nên áp dụng cho các khu vực đô thị như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, khu vực nhiều khu công nghiệp… chứ không phải áp dụng đại trà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.