Chiều 4.7, HĐND TP.Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, tiếp tục diễn ra kỳ họp thứ 16 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) với phần chất vấn và trả lời chất vấn.
Nhiều câu hỏi được đặt ra về tình trạng quá tải bệnh viện; giải pháp ngăn chặn và xử lý mặt trái kinh tế số, thương mại điện tử; việc hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế; chính sách phát triển bền vững ngành chăn nuôi; xây dựng sản phẩm nông sản chiến lược; kết quả ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ…
Trong đó, đại biểu Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Cần Thơ cho rằng các năm qua TP.Cần Thơ được sự quan tâm đặc biệt của T.Ư. Điển hình là Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Chính phủ, Nghị quyết 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển đặc thù TP.Cần Thơ. Cùng với đó là thuận lợi nằm ở vị trí trung tâm của ĐBSCL. Tuy nhiên, những năm qua, sự phát triển của Cần Thơ chưa được như kỳ vọng của T.Ư và cử tri thành phố. "Có phải thành phố đã lãng phí cơ hội, lãng phí sự thuận lợi, lãng phí dư địa và điều kiện phát triển không ?", đại biểu Nguyễn Văn Dũng hỏi.
Trả lời đại biểu, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ, cho biết đúng là Cần Thơ sở hữu nhiều cơ hội lớn so với nhiều tỉnh, thành khi có sân bay, có cảng, hệ thống giáo dục, y tế phát triển mạnh; được T.Ư quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc phát huy các lợi thế của thành phố chưa đạt hiệu quả cao.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ trở lực lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật. Trước đây, đường đi đến TP.Cần Thơ rất khó khăn, chủ yếu là đường bộ. Hiện đã được T.Ư quan tâm đầu tư nhưng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Cho nên kỳ vọng là Cần Thơ sẽ thực sự phát triển khi tuyến cao tốc Bắc – Nam và các tuyến đường kết nối giao thông liên kết tỉnh, vùng được đưa vào sử dụng. Vấn đề nữa là hạ tầng xã hội cũng chưa đạt yêu cầu, nhất là thu hút đầu tư.
Theo ông Hiển, TP.Cần Thơ muốn phát triển phải phụ thuộc vào nhiều nguồn lực, trước hết là nguồn nội tại của thành phố, sau đó là từ sự giúp đỡ của T.Ư, đầu tư doanh nghiệp nước ngoài. Mỗi nguồn lại cần có những yếu tố tác động khác nhau. Theo kế hoạch, hàng năm thành phố đặt mục tiêu phải huy động được nguồn xã hội khoảng 37.000 tỉ đồng. Bởi, thu ngân sách trung bình của Cần Thơ chỉ trên dưới 11.000 tỉ đồng/năm, việc đầu tư phát triển là rất khó khăn.
Để huy động được các nguồn lực, Cần Thơ sẽ phải đặc biệt quan tâm làm sao thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư lớn có nguồn lực tài chính, có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp phát triển. Đến nay, địa phương đã thực hiện được việc quan trọng là hoàn thiện quy hoạch và công khai quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Phần việc sắp tới cần thực hiện tốt là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, yếu tố môi trường, đảm bảo an ninh trật tự…
Ông Hiển nói thêm, Cần Thơ là địa phương đảm bảo tình hình an ninh trật tự tốt, thuận lợi để phát triển các dịch vụ phục vụ cho các nhà đầu tư tới sinh sống, làm việc. Ngoài yêu cầu về ăn ở, giáo dục, y tế tốt thì nhà đầu tư còn rất thích hoạt động vui chơi, giải trí, nhất là sân golf. Đây là những "điều kiện" đang được thành phố triển khai để tăng cường thu hút nhà đầu tư, qua đó phát huy tốt hơn nguồn lực và lợi thế của mình.
Bình luận (0)