Hồi phục kỳ diệu
Sáng 15.6, BS chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các BS Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện vừa phẫu thuật thay khớp háng thành công cho cụ bà 103 tuổi, bị kèm nhiều bệnh nội khoa phức tạp.
Bệnh nhân là cụ bà T.T.C (103 tuổi, ngụ xã Tân Thới, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ). Trước đó, cụ bà được đưa tới bệnh viện cấp cứu vì ngã từ trên võng xuống đất.
“Lúc đó, bà đứng lên, tay vịn võng nhưng khi đứng chưa thẳng người thì bất chợt té khuỵu xuống, rồi ngồi một chỗ luôn”, bà Trần Thị Hường, con cụ bà kể.
Cú ngã khiến cụ bà đau nhiều vùng háng phải, bàn chân phải đổ ngoài, không thể vận động. Qua khai thác bệnh sử, các BS ghi nhận bệnh nhân còn bị tăng huyết áp và nhiều bệnh lý nội khoa tim mạch đang điều trị.
Kết quả X-quang khung chậu thẳng cho thấy, bệnh nhân 103 tuổi đã bị gãy cổ xương đùi phải.
Sau hội chẩn, các BS quyết định hồi sức nội khoa cho bệnh nhân và tiến hành phẫu thuật. Ê kíp gồm thạc sĩ - BS (Ths.BS) Nguyễn Hữu Thuyết, Ths.BS Trương Nhật Tôn (Trung tâm Chấn thương chỉnh hình), BS.CK1 Nguyễn Hữu Nghiệm (Khoa Gây mê hồi sức) đã phẫu thuật cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 50 phút, các BS đã thực hiện thành công thay khớp háng phải bán phần cho bệnh nhân. “Trước mổ, gia đình tôi rất sợ vì bà 103 tuổi rồi, sợ không đủ sức qua khỏi. Khi bác sĩ nói bà vẫn có hy vọng mổ được, thì nhẹ lòng một chút nhưng vẫn rất lo. Tới khi ca mổ thành công, thấy bà phục hồi, con cháu ai cũng mừng”, bà Hường, con cụ bà C. nói.
Hiện tại, sau phẫu thuật, cụ C. phục hồi rất nhanh, hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, khám vận động khớp háng tốt, có thể tự ngồi, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
|
Tai nạn dễ gặp ở người cao tuổi
Theo ghi nhận tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ), té ngã rất thường xảy ra ở người cao tuổi, tỉ lệ và độ trầm trọng của té ngã tăng lên ở độ tuổi 60, đặc biệt ở phụ nữ.
Điều quan ngại là ở người cao tuổi, khi bị té thường gây ra hậu quả nghiêm trọng như gãy xương; trong đó gãy cổ xương đùi là chấn thương rất nặng nề. Gãy xương nói chung và gãy cổ xương đùi nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng tệ hại và những di chứng, tiêu tốn rất nhiều tiền của cho quá trình chăm sóc và điều trị.
Theo BS.CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, có rất nhiều lý do người già bị té ngã, trong đó thường thấy nhất là do sức khỏe giảm sút, cơ quan vận động suy giảm chức năng, phản ứng chậm với các tình huống xảy ra trong sinh hoạt; té do giảm thị lực, rối loạn thăng bằng, sa sút trí tuệ, mắc một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, thoái hóa khớp, viêm đa khớp, cơ teo yếu… Cùng với đó là nơi ở, điều kiện sống không an toàn như nền nhà dễ trơn trợt, thiếu ánh sáng, khu vực thiếu thông thoáng cũng dễ tác động gây tai nạn cho người già.
Bình luận (0)