Đổ lỗi cho người vay nhập sai số tài khoản ngân hàng
Anh N.M.P (quê Bến Tre) hiện vừa làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) vừa học đại học. Do cần tiền đóng học phí nên cuối tháng 8, qua Facebook, anh P. được một người tên Hùng chào mời vay 40 triệu đồng, qua app, lãi suất 0,7%/tháng (tức mức lãi phải đóng 280.000 đồng/tháng), trả trong 24 tháng. Người này cũng tự giới thiệu mình làm việc ở Công ty tài chính V. và công ty này có liên kết với một ngân hàng uy tín.
Cần khoản tiền gấp và cho rằng lãi suất thấp, anh P. liền ưng thuận. Sau đó, người tên Hùng gửi cho anh P. đường link để tải app về điện thoại và hướng dẫn anh P. nhập các thông tin.
“Có khoảng 5 - 6 bước điền thông tin cá nhân. Khi điền xong thì Hùng nói là tiền đã chuyển về ứng dụng. Họ cũng yêu cầu tôi nhập mã xác thực OTP (loại mật khẩu sử dụng một lần, thường dùng trong các giao dịch ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến… - PV) do họ cung cấp để rút tiền về tài khoản ngân hàng của tôi. Khi tôi kiểm tra ứng dụng thì thấy trong ví hiển thị số 40 triệu đồng, nên nhập mã để rút về. Nhưng khi nhập thì ứng dụng báo giao dịch thất bại”, anh P. kể.
Thông báo mà phía cho vay gửi anh P., trong đó có nêu do anh P. nhập sai số tài khoản nên cần phải đóng "phí trách nhiệm" 12 triệu đồng |
nạn nhân cung cấp |
Thông báo dọa sẽ "truy tố hình sự" nếu anh P. không đóng phí 12 triệu đồng |
NẠN NHÂN CUNG CẤP |
Khi thắc mắc với Hùng thì anh P. được hướng dẫn trao đổi với “nhân viên thẩm định” của công ty, tên Thọ. Người này gửi cho anh P. một thông báo bằng hình ảnh (qua Zalo) có mộc đỏ, chữ ký giám đốc công ty, liên kết ngân hàng, thông tin cá nhân nạn nhân… với nội dung: “Do phát hiện lỗi sai thông tin tài khoản ngân hàng không trùng khớp với tên chủ hợp đồng, vì vậy hệ thống đã tạm thời đóng băng số tiền 40 triệu đồng”.
Thông báo cũng nêu "nghi ngờ khách hàng là tài khoản giả mạo có dấu hiệu lừa đảo khoản vay… yêu cầu khách hàng xác minh lại thông tin với bên hệ thống để chỉnh sửa lại chính xác số tài khoản và giải ngân khoản vay bằng cách chuyển cọc 12 triệu đồng (tức 30% giá trị) vào tài khoản chỉ định được ủy quyền của hệ thống để đảm bảo trách nhiệm nghĩa vụ".
Người này cũng cam kết sau khi xác minh thành công, hệ thống sẽ chỉnh sửa lại chính xác số tài khoản và giải ngân toàn bộ số tiền đang bị đóng băng cùng với khoản tiền xác minh (tổng cộng 52 triệu đồng) cho anh P.
Ngược lại, nếu anh P. không đóng "phí trách nhiệm" này thì anh P. vẫn phải trả lãi hằng tháng. Nếu anh P. trốn thì "hồ sơ bộ phận pháp lý sẽ can thiệp điều tra và truy tố hình sự và hồ sơ này sẽ không vay được bên ngân hàng hay các cơ quan tài chính nào trong nước sau 9 tháng".
Anh P. bức xúc kể lại: "Tôi kiểm tra hàng chục lần thấy rõ ràng mình không cung cấp sai số tài khoản. Tôi bèn gọi lên số tổng đài của Công ty V. thì tư vấn viên cảnh báo rất có thể là lừa đảo. Nhưng tôi sợ gia đình mình sẽ bị làm phiền, khủng bố nên tôi đã làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan công an".
Theo lời của anh P., cơ quan công an cũng thông tin cho anh là những vụ việc nghịch lý đi vay nhưng bị lừa ngược như trường hợp của anh thời gian qua khá phổ biến. Thủ đoạn của nhóm lừa đảo là hứa hẹn cho vay lãi suất rất thấp, cung cấp đường link không rõ ràng rồi yêu cầu người vay tải app về máy. Đến khi nhập lệnh rút tiền thì bị báo lỗi và nhóm lừa đảo sẽ đổ lỗi do người vay cung cấp sai thông tin, yêu cầu người vay phải chuyển vài triệu đến vài chục triệu đồng như phí xác minh.
"Dính bẫy" vì thấy rao cho vay với thủ tục đơn giản, lãi suất thấp
Không may như anh P., chị T.P.T (công nhân tại Q.7) đã “mất oan” 3 triệu đồng. Chị T. kể, do cuối tháng 8, gia đình chị có người bệnh nặng nên chị cần tiền gấp. Thấy trên Facebook có bài viết cho vay từ 30 - 200 triệu đồng qua app, thủ tục đơn giản, lãi suất thấp nên chị T. liền nhắn tin và hỏi vay 30 triệu đồng.
Phía cho vay cũng yêu cầu chị T. tải app từ đường link, điền các thông tin cá nhân như CMND, mã số bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng… để thực hiện lệnh rút tiền. Tuy nhiên khi rút tiền thì chị T. cũng bị báo lỗi sai thông tin tài khoản.
Chị T. cho biết đã chuyển 3 triệu đồng cho Công ty TNHH đầu tư tài chính S. |
NẠN NHÂN CUNG CẤP |
“Tôi chắc chắn mình nhập đúng. Nhưng phía cho vay gửi cho tôi một biên bản tên “Thông báo quy định thay đổi thông tin”, đề của Công ty TNHH đầu tư tài chính S., có số hiệu văn bản, có chữ ký, con dấu… nhìn chính danh lắm”, chị T. nói.
Theo phiếu thông báo này, chị T. phải đóng 3 triệu đồng (bằng 10% khoản vay) lên số tài khoản của phòng tài chính công ty để được ủy quyền từ xa. Trong phiếu này "cam kết tiền ủy quyền sẽ được hoàn trả sau 5 đến 10 phút hệ thống sửa số tài khoản xong".
Trong lúc cần tiền gấp, lại bị phía cho vay đe doạ nếu không đóng 3 triệu đồng "phí ủy quyền" này thì dù không nhận được tiền vay, chị T. vẫn phải trả nợ kèm lãi, nên chị đã chuyển 3 triệu đồng vào số tài khoản mà người cho vay cung cấp. Sau đó, nghi ngờ, chị T. hỏi han bạn bè thì mới tin là mình đã bị lừa.
Chị nói: "3 triệu đồng có thể với người khác ít, nhưng đó là cả gia sản với người làm công như tôi vào thời điểm cần nhất…".
Link tải app vay tiền tràn lan trên Facebook
Trong vai người có nhu cầu vay qua app, chúng tôi liên hệ với một người đăng bài chào mời trong nhóm "Hỗ trợ tiêu dùng nhanh toàn quốc, Giải ngân trong ngày - Hỗ trợ nợ xấu” để nghe tư vấn. Người này chỉ nhắn tin, từ chối gặp trực tiếp hay điện thoại. Đồng thời, người này cung cấp cho chúng tôi một đường link và yêu cầu chúng tôi tải app về để đăng ký hồ sơ vay. Khi tải về, thấy giao diện ứng dụng dễ nhìn, dễ thao tác.
Qua một loạt các bước điền thông tin như nhập CCCD, bảo hiểm y tế, hình ảnh chân dung, chữ ký, liên kết thẻ ngân hàng thì app báo "Chúc mừng hồ sơ của quý khách đã đăng ký tài khoản vay thành công. Liên hệ với chăm sóc khách hàng để nhận tiền".
“Thông tin khách hàng không trùng khớp. Rút tiền thất bại!" khi thao tác nhập mã OTP để rút tiền từ một app về tài khoản ngân hàng |
CHỤP MÀN HÌNH |
Sau đó, phía cho vay cung cấp mã OTP để chúng tôi nhập vào thực hiện lệnh rút tiền. Tuy nhiên, khi nhập vào thì nhận được thông báo: “Thông tin khách hàng không trùng khớp. Rút tiền thất bại! Liên hệ CSKH trực tuyến để được hỗ trợ”. Chúng tôi thắc mắc và chất vấn nhiều lần có phải lừa đảo không và nhờ công an can thiệp thì phía cho vay lập tức chặn liên lạc.
Ghi nhận trên mạng xã hội cho thấy có vô số hội nhóm cho vay tiền qua ứng dụng online. Như ở nhóm “Vay qua app web online” có gần 20.000 thành viên, các tài khoản liên tục đăng tải nội dung các đường link tải app. Đơn cử, một tài khoản đăng nội dung “web app mới ra, không thẩm định, tiền về trong 20 phút”, kèm theo đó là các đường link cài đặt app...
Các link tải app không thẩm định tràn lan trên Facebook |
CHỤP MÀN HÌNH |
Có nhiều người bình luận và thông báo rằng mình đã bị lừa đảo trong các bài đăng này. Như trường hợp của chị L.C đã bình luận cảnh báo: “Vay link web, sau đó nó bảo sai thông tin, bắt nộp phí kiểm tra, giải ngân, nếu không nộp thì vẫn bị yêu cầu phải đóng tiền trả góp hằng tháng”. Trao đổi với chúng tôi, chị C. nói do kẹt tiền gấp chữa bệnh nên đã tải một app qua đường link hướng dẫn.
“Làm thủ tục vay 50 triệu đồng, họ bảo là đã chuyển tiền vào tài khoản rồi, sau đó lại thông báo do mình cung cấp sai thông tin nên phải chuyển 5 triệu đồng vào tài khoản chỉ định để phía ngân hàng đi xác minh, kiểm tra. Họ đe doạ, khủng bố tinh thần tôi. Tôi cũng hoảng quá nên chuyển tiền. Nhưng rồi sau đó mới biết mình bị lừa khi họ cắt hết liên lạc", chị C. nói.
Một lãnh đạo Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an cho biết đây là hình thức lừa đảo không mới, đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhưng nhiều người do khó khăn, cần tiền nên tin tưởng vay trên app. Mục đích của chúng là lừa đảo nên đánh vào tâm lý người dân muốn nhanh gọn lẹ và sớm có tiền chứ không phải làm thủ tục chặt chẽ khó như ở các ngân hàng. Đánh vào tâm lý người dân như vậy nên rất nhiều người sập bẫy.
Mới đây, cơ quan công an cũng triệt phá đường dây giả danh ngân hàng cho vay qua app với lãi suất 0%, đã lừa 600 người ở TP.HCM chưa kể bị hại ở các tỉnh thành khác. Như vậy để thấy rằng rất nhiều người đã bị sập bẫy, tâm lý bị hại nghĩ rằng số tiền thiệt hại ít nên ngại trình báo cơ quan chức năng, hoặc sợ không biết có lấy lại được tiền hay không nên không trình báo. Nhưng hình thức lừa đảo này tạo cho nạn nhân một khoản vay, gây áp lực cho nạn nhân vì sợ hãi nên cũng có người tìm cách vay mượn trả.
"Những ai là nạn nhân của các đối tượng cho vay qua app như hình thức này nên trình báo công an để được giải quyết, tránh để hậu quả về sau. Hàng loạt các câu chuyện về vay tiền qua app cũng đã được báo chí phản ánh, cơ quan công an đã cảnh báo nhiều nên người dân tránh trở thành con mồi của các đối tượng", vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Ngọc Lê
Bình luận (0)