Cẩn trọng với chiêu trò kinh doanh không cần vốn

01/04/2024 04:21 GMT+7

Các nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng vì bị dẫn dụ vào ma trận kinh doanh không cần vốn.

Lợi dụng dropship để giăng bẫy

Trong kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh online, thuật ngữ "dropship" được hiểu đơn giản là bán hàng nhưng bỏ qua khâu vận chuyển. Đây là hình thức kinh doanh, buôn bán mà nhà bán lẻ không giữ hàng trong kho. Khi khách hàng mua sản phẩm, người bán sẽ chuyển đơn hàng qua bên nhà cung cấp, yêu cầu họ vận chuyển hàng tới tay khách hàng. 

Như vậy, người bán hàng, hay còn gọi là người trung gian, chỉ cần tập trung vào việc quảng bá sản phẩm, theo dõi đơn hàng, chăm sóc khách hàng... Lợi nhuận có được từ khoản chênh lệch giá giữa nhà cung cấp và giá bán cho khách hàng trừ đi chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, cũng vì tiện ích nên nhiều người sử dụng hình thức kinh doanh này đang bị các đối tượng lừa đảo đưa vào tầm ngắm, dẫn dụ vào bẫy để chiếm đoạt tài sản.

Chị H.N, ngụ tại Hà Nội, sau khi nghe lời giới thiệu từ một người bán hàng online rằng họ đã lãi 80 triệu đồng khi bán được 2 chiếc đồng hồ qua ứng dụng giao dịch trực tuyến nên quyết định tham gia và lên trang web tải app về. Theo quy định của trang, khi có khách đặt hàng qua app, chị sẽ gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng và quy đổi thành tiền Việt để chuyển cho tài khoản được yêu cầu. Khi họ nhận được tiền, chị sẽ nhận lại tiền gốc và tiền lãi.

Cẩn trọng với chiêu trò kinh doanh không cần vốn- Ảnh 1.

Muôn vàn hình thức dẫn dụ, lừa đảo người nhẹ dạ, cả tin

NVCC

Cẩn trọng với chiêu trò kinh doanh không cần vốn- Ảnh 2.

Các ứng dụng ảo đưa nạn nhân vào mê hồn trận

Q.T

Đơn hàng đầu tiên, chị nạp 511,28 USD (12,6 triệu đồng), sau đó nhận về đủ gốc và số tiền lãi 61,35 USD (1,5 triệu đồng). Chị tiếp tục đặt 46 đơn hàng, trong đó một số đơn cũng rút được tiền. Đến khi số tiền nạp lên đến 12 tỉ đồng, chị bị chặn liên lạc và không thể rút tiền. Lúc này chị N. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Chị L.C, một nạn nhân ngụ tại TP.HCM, chỉ trong vòng 12 ngày đã bị lấy sạch 30.000 USD, tương đương 750 triệu đồng. Chị kể được một người bạn quen trên mạng tên L. khoe mới đón đơn hàng lợi nhuận rất tốt nhờ app bán hàng lợi nhuận cao, không có chuyện "xù đơn" vì khách cọc trước. Kể cả nếu khách không nhận hàng thì mình vẫn được nhận lãi vì có phần đền bù… Sau đó L. giới thiệu cho chị C. về app bán hàng Fastshop.us hoạt động như các sàn mua bán trên trang thương mại nước ngoài. Chị đăng ký bằng CCCD và tải ví Binance về. 

"App này tinh vi ở chỗ là có khách hàng nhắn tin cho bạn hỏi mua hàng và bạn tư vấn cho họ như mua bán trên sàn giao dịch điện tử. Sau khi có khách đặt hàng, bạn phải nạp tiền vào để đón đơn hàng. Nếu không đón đơn hàng sẽ bị khách gửi khiếu nại và khóa cửa hàng", chị C. kể và cho biết trong lúc chị xoay tiền đón đơn đã 2 lần bị khiếu nại. "Ban đầu nó duyệt tất cả các đơn hàng đang trên đường giao là thành công trong 1 giây nhưng rút tiền ra không được vì tài khoản kinh doanh dưới 90 ngày nó bắt xác minh theo từng giai đoạn 10%, 20%, 30%, 40% trên tổng số tài sản đang có với nhiều lý do khác nhau. Lúc này mình bắt đầu lọt vào vòng xoáy vì muốn lấy số tiền cũ mà châm số tiền mới vô. Đến lúc này may là có người nhà ngăn cản lại, nếu không thì tôi cũng mất đến 1 tỉ đồng", chị C. nói.

Cẩn trọng với chiêu trò kinh doanh không cần vốn- Ảnh 3.

Cảnh báo hình thức lừa đảo tuyển dụng “đọc sách, nhận tiền”

Chụp màn hình

Lôi kéo vào con đường "làm giàu không khó"

Theo lời kể của các nạn nhân, đa số những người lôi kéo họ vào bẫy lừa đảo là bạn quen trên mạng xã hội với hình ảnh thành đạt, có ngoại hình thu hút, công việc ổn định, là Việt kiều… Chị Nguyễn Cẩm Linh, nhân viên một ngân hàng tại TP.HCM, chia sẻ: "Tôi đã bị lừa vì hình thức dropshipping, may mắn là số tiền không lớn. Kinh nghiệm của tôi là không nên kết bạn qua Facebook hoặc giữa 2 bên tuy có bạn bè chung nhưng mình không biết họ, chưa từng gặp thì đừng làm quen nói chuyện. Tôi bị một trường hợp rủ làm dropshipping trên web starlink688.com còn một người khác thì dụ vào sàn chứng khoán tại web remitano68.com. Những người làm quen trên Facebook đa phần là tài khoản ảo, dù cho mình có gọi điện thoại, nhìn thấy mặt qua facecall nhưng vẫn là lừa đảo, cực kỳ tinh vi. Tốt nhất là không kết bạn nói chuyện với tài khoản lạ", chị khuyến cáo.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng VN (NCS), nói thẳng làm gì có khách hàng đặt đơn hay nhà sản xuất, tất cả chỉ là ảo, không có thật và người trung gian chính là nạn nhân. Họ bị các đối tượng lừa đảo đóng cả hai vai là nhà sản xuất và người mua hàng để tạo ra nhu cầu mua bán không có thật, các đơn hàng không có thật. Nạn nhân bị thao túng tâm lý và đưa vào một cái bẫy tinh vi, càng muốn lấy lại tiền thì lại càng lún sâu. Đến một lúc nào đó thấy con mồi bế tắc không còn xoay tiền được nữa thì thủ phạm cắt đứt liên lạc, xóa mọi dấu vết. Thậm chí, có trường hợp sau một thời gian ngắn, các đối tượng lừa đảo còn xuất hiện với một vai diễn khác là hacker hoặc "hiệp sĩ" có thể giúp nạn nhân lấy lại tiền đã mất và tiếp tục lừa đảo lần 2.

Theo ông Sơn, các chiêu trò lừa đảo này không mới nhưng biến tướng liên tục, các nạn nhân vì nhận được tiền trong một vài lần giao dịch đầu tiên nên mất cảnh giác. Trước đây, mạng xã hội rộ lên hình thức tuyển dụng cộng tác viên bán vé máy bay, đây cũng là chiêu "lùa gà" tạo ra nhu cầu đặt vé "ảo", người mua ảo và người bán cũng không có thật. Cơ quan công an đã triệt phá đường dây này. 

Đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo khai đã mua hàng ngàn tài khoản Facebook ảo giao cho các trưởng nhóm. Tiếp đó, nhân viên sẽ chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, lập trang web đăng bài cần tuyển dụng cộng tác viên bán vé máy bay toàn quốc với mức chiết khấu cao (20% tiền vé). Để tạo lòng tin, các đối tượng "chim mồi" giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công. Sau khi cộng tác viên đặt cọc tiền mua vé với số lượng lớn hơn, các đối tượng lừa đảo chặn liên lạc, xóa toàn bộ dấu vết tài khoản liên quan. 

Bùng phát lừa đảo tinh vi

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết từ ngày 11-17.3 đã có 319 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng internet gửi về Trung tâm. Qua kiểm tra, phân tích, có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, các trang thương mại điện tử… Một số trường hợp người dùng cần nâng cao cảnh giác như website giả mạo sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Amazon, ngân hàng VIB, sàn Tiki, cổng Dịch vụ công Quốc gia. 

Mới đây, xuất hiện hình thức một số đối tượng giả mạo sử dụng tên, hình ảnh, văn bản, công văn của 1980Books nhằm mục đích lừa đảo thông qua quảng cáo tuyển dụng để chiếm đoạt tiền. Những người quan tâm sẽ được gửi hợp đồng, thỏa thuận lương, thưởng có chữ ký và con dấu giả của 1980Books. 

Sau đó, nạn nhân sẽ bị đối tượng lừa đảo thêm vào các nhóm trên ứng dụng Telegram để thực hiện nhiệm vụ đọc sách mỗi ngày để nhận lương. Để được nhận công việc, người dùng phải nạp tiền, sau mỗi lần kết thúc công việc thì được hoàn tiền về tài khoản. Đến khi số tiền lớn, hệ thống sẽ báo lỗi, yêu cầu người bị hại đóng thêm tiền để sửa lỗi và hoàn tiền về ví điện tử nhưng tiền không bao giờ được hoàn lại, thủ phạm sẽ xóa toàn bộ tài khoản liên hệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.