Cẩn trọng với phương pháp nuôi dạy con trên mạng

Ngọc Long
Ngọc Long
23/05/2024 07:17 GMT+7

Gõ từ khóa "nuôi dạy con" trên thanh tìm kiếm, người dùng có thể tìm thấy hàng loạt bài viết, khóa học liên quan, từ chuyện nhỏ như cách đối diện, ứng xử trước hành động nhất định của trẻ đến vĩ mô hơn là định hướng để con thành công trong cuộc sống.

Song, nhiều nội dung trong số đó được đăng tải bởi các "hot mom", "hot dad" (phụ huynh có nhiều lượt theo dõi) hoặc chuyên gia tự xưng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, độc hại.

Cẩn trọng với phương pháp nuôi dạy con trên mạng- Ảnh 1.

Phụ huynh cần tỉnh táo, cẩn trọng khi tham khảo các khóa học dạy con đăng tải trên mạng xã hội

ẢNH MINH HỌA: NGUỒN PEXELS

Dạy con theo kiểu... nhân quả

Bà P.H.D, phụ huynh của một "thần đồng" nổi tiếng, hiện sở hữu một loạt trang mạng xã hội và bộ sách, khóa học liên quan nuôi dạy con. Nhiều nội dung do các trang này đăng tải tập trung vào việc nuôi dạy con sao cho có trí thông minh cảm xúc (EQ) cao càng sớm càng tốt để "dễ thành công, hạnh phúc hơn trong cuộc đời", nếu không, sẽ phải trải qua nhiều tiêu cực như thiếu bình tĩnh, dễ thất bại, "tương lai mù mịt".

Hay bà N.T.L, tự xưng là chuyên gia tâm lý trị liệu "đầu tiên tại VN" được cấp bằng bởi một tổ chức tại Mỹ, chuyên bán các khóa học về nuôi dạy con. Người này thường xuyên đăng các nội dung quy trách nhiệm cho cha mẹ như: "cha mẹ sợ bẩn con sẽ kém thông minh", "cha mẹ càng nghiêm khắc con càng thành công", "cha mẹ là vấn đề của con" hoặc các nội dung khuyến khích PH làm theo để con "thành tài".

Cá biệt, tài khoản T.V.Q chuyên các khóa học về nhân tướng, chánh niệm, kinh Dịch lại mở lớp về cách nuôi dạy con trưởng thành từ "3 gốc", theo nhân quả (cha mẹ là "nhân", con cái là "quả" - PV). "Hãy bật pháp thoại 1.210 bài cho trẻ nghe từ trong bào thai", "Dưới 6 tuổi, chỉ cần cho trẻ thuộc ngoại ngữ, lời dạy của thánh hiền, những thứ khác đừng bắt học" là những nhận định do tài khoản này đưa ra.

Các hội nhóm trên Facebook cũng là kênh thu hút nhiều PH, như "Nhóm dạy con đúng cách" (748.500 thành viên), "Hội học hỏi kinh nghiệm nuôi con" (667.200), "Dạy con trong hạnh phúc" (272.600), "Hội chia sẻ kinh nghiệm nuôi con" (260.000)... Trong đó, không ít nội dung nhận nhiều tán đồng như "Cha mẹ cần để con ăn đói, ăn đạm bạc vài bữa để dạy con tốt hơn", "Dạy con là trái với quy luật tự nhiên" hay "Trẻ bướng bỉnh, khép mình, trầm cảm là những "sản phẩm lỗi" khi cha mẹ dạy con".

Những xu hướng nuôi dạy con

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành cho biết trên thế giới hiện có vô số phương pháp nuôi dạy con khác nhau. Chẳng hạn, theo nhà tâm lý học người Mỹ Diana Baumrind, chủ yếu có 4 phong cách nuôi dạy con, gồm: dân chủ, độc đoán, nuông chiều và không can thiệp. Song, những phong cách này không diễn tả đầy đủ cách nuôi dạy con của cha mẹ châu Á. Ngoài ra, còn nhiều phong cách, chương trình khác như nuôi dạy con tỉnh thức, làm cha mẹ dựa trên điểm mạnh, Triple P, Incredible Years...

"Có thể chia các xu hướng nuôi dạy con hiện nay theo 3 hướng tiếp cận. Đầu tiên là dựa trên chức năng trong gia đình, tức xem hoạt động nuôi dạy con là của toàn bộ gia đình; thứ hai là tác động đến kỹ năng nuôi dạy con của cha mẹ, nhất là cách cha mẹ ứng xử với hành vi của con; và cuối cùng là tác động trực tiếp vào hành vi của trẻ. Nhìn chung, PH đều kết hợp nhiều phương pháp khác nhau tùy theo tình huống và bối cảnh, chứ không chỉ thực hành một phương pháp", ông Thành lưu ý.

Thạc sĩ công tác xã hội lâm sàng Phạm Nguyễn Ngọc Nguyên, chuyên gia tư vấn tâm lý độc lập, khuyên PH áp dụng mô hình PERMA trong quá trình nuôi dạy con. Đây là mô hình được "cha đẻ" của ngành khoa học về tâm lý học tích cực Martin Seligman phát triển, đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Theo đó, mỗi chữ cái của mô hình PERMA viết tắt một thành tố của hạnh phúc. Đầu tiên là mang cảm xúc tích cực (positive emotions) vào trong gia đình, như lòng biết ơn, sự hy vọng…

Thứ hai, PH hãy dành thời gian cho những điều bản thân hứng thú (engagement), bởi mối quan tâm của trẻ và cha mẹ đôi khi không trùng nhau. Thứ ba, tìm đến các mối quan hệ (relationship) chất lượng, lan tỏa sự ấm áp, tôn trọng. Thứ tư, cần nhận diện ý nghĩa (meaning) trong những hoạt động hằng ngày bằng cách thoát ra khỏi các danh xưng đóng khung như "giỏi việc nước, đảm việc nhà", "con nhà người ta".

Cuối cùng, hãy tạo ra nhiều khoảnh khắc đạt được thành tựu (achievement), hay đơn giản là hoàn thành một cam kết với con. Đừng quên tự bao dung những thất bại tất yếu trên hành trình con cái lớn lên và trưởng thành", bà Nguyên khuyên.

6 đặc điểm phụ huynh cần nhận diện

Phụ huynh tham gia một lớp học nuôi dạy con tổ chức hồi tháng 4.2024 ẢNH: NVCC

Phụ huynh tham gia một lớp học nuôi dạy con tổ chức hồi tháng 4.2024

NVCC

Theo thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Minh Thành, nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý lâm sàng gia đình tại ĐH Công giáo Louvain (Bỉ), trước tình trạng tràn lan phương pháp nuôi dạy con trên mạng, có 6 đặc điểm phụ huynh (PH) cần nhận diện để tránh rơi vào trường hợp tự trách, từ đó kiệt sức trên hành trình nuôi dạy con.

"Đó là các bài viết hoàn toàn đổ lỗi về một phía; không tính đến đóng góp của bối cảnh khi nhắc đến vấn đề của cha mẹ, con cái; so sánh, gán ghép trẻ với hình ảnh dọa dẫm, giật gân để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ; tự ý dùng câu chuyện riêng tư của PH, trẻ em mà không xin phép; chê bai, giễu cợt trẻ em; không tôn trọng sự đa dạng của các gia đình mà chỉ "đóng khung" trong một khuôn mẫu điển hình", ông Thành liệt kê.

Cẩn trọng với phương pháp nuôi dạy con trên mạng- Ảnh 3.

NGỌC LONG

Để hạnh phúc trong hành trình làm cha mẹ, PH hãy chịu khó có thời gian chất lượng với con và với chính mình. Khi nâng cao kỹ năng tạo ra hạnh phúc cho bản thân, cha mẹ cũng trở thành tấm gương để con học được kỹ năng hạnh phúc.

Thạc sĩ Phạm Nguyễn Ngọc Nguyên

Cẩn trọng với phương pháp nuôi dạy con trên mạng- Ảnh 4.

NVCC

Nếu muốn đăng ký khóa học làm cha mẹ, PH trước hết phải nhận diện được vấn đề mình đang gặp phải, sau đó xem xét tình hình, đặc điểm của các bên như cha mẹ, con cái, bối cảnh. Từ những gì tìm hiểu, PH hãy xem xét liệu nội dung chương trình đào tạo dự định đăng ký có phù hợp không, đồng thời tìm hiểu bằng chứng khoa học và đầu ra của khóa học.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành

Cẩn trọng với phương pháp nuôi dạy con trên mạng- Ảnh 5.

NVCC

Nếu chỉ nghe theo góc nhìn được kể bởi năng lực cá nhân của một người nào đó, có thể bạn sẽ bỏ qua rất nhiều điều khác. Đó là chưa kể những người hạn chế về khả năng phản tư, họ có thể chiêm nghiệm, rút ra những kết luận thậm chí là độc hại hoặc cực đoan với trẻ.

Phạm Trần Kim Chi (sáng lập ứng dụng Con Của Tui)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.