Cần tuyển nhiều lao động cuối năm

Thu Hằng
Thu Hằng
02/11/2021 06:00 GMT+7

Các sàn giao dịch việc làm tại nhiều địa phương bắt đầu đẩy mạnh kết nối giao dịch việc làm trong trạng thái “bình thường mới”. Nhu cầu tuyển dụng lao động trẻ dự báo tăng cao vào dịp cuối năm.

Doanh nghiệp khó tuyển lao động

Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song tại sàn việc làm Hà Nội, các hoạt động kết nối, tư vấn giới thiệu việc làm, thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động vẫn hoạt động cả trực tiếp và trực tuyến.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc trung tâm nói trên, cho biết: “Đây là phiên giao dịch việc làm trực tuyến đầu tiên với các địa phương sau thời gian giãn cách xã hội. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động tại các địa phương rất lớn. Nhiều tỉnh đăng ký tham gia, tuy nhiên để đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ và đường truyền nên chúng tôi chỉ có thể kết nối 5 địa phương”.

Theo ông Thành, ở phiên giao dịch việc làm này, hệ thống đã tiếp nhận 8.351 chỉ tiêu của 78 đơn vị đăng ký. Trong đó, những vị trí tuyển dụng nhiều lao động gồm: công nhân sản xuất, nhân viên kỹ thuật, thợ có tay nghề, kinh doanh, phiên dịch, biên dịch… Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ ở phiên này tương đối nhiều, 70% là công nhân kỹ thuật. Mức thu nhập bình quân được các doanh nghiệp đưa ra từ 7 - 15 triệu đồng/tháng. Một số vị trí như quản lý, kỹ sư… có mức lương trên 14 triệu đồng/tháng.

Hà Nội sẽ mở thêm nhiều phiên giao dịch việc làm trực tuyến cho lao động mất việc

T.Hằng

Đáng chú ý, nhóm tuổi các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất tập trung vào nhóm lao động trẻ từ 18 - 25 tuổi (chiếm khoảng 42%), tiếp đến là lao động từ 26 - 34 tuổi (khoảng 40%).

Là lao động bị mất việc do Covid-19, anh Đỗ Văn Linh (quê Bắc Giang) nôn nóng đến sàn tìm việc từ sáng sớm. Anh Linh chia sẻ: “Tôi học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí, 2 tháng nay thất nghiệp, có lên mạng tìm việc nhưng chưa có vị trí nào phù hợp. Tôi may mắn được kết nối trực tuyến với 2 doanh nghiệp tại Hà Nội và tại Bắc Ninh tuyển dụng. Tôi đang cân nhắc, có thể sẽ lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài tại Bắc Ninh, mình còn trẻ không ngại đi làm xa, cũng là để học hỏi thêm trong môi trường làm việc mới”.

Mặc dù đang có nhu cầu tuyển dụng lớn, song số lượng lao động đến sàn giao dịch việc làm không như kỳ vọng của doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Ước, phụ trách nhân sự Công ty cổ phần Việt Chuẩn, ở Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội), cho biết: “Công ty chúng tôi là đối tác của các tập đoàn lớn như Toyota, Honda, Yamaha… đợt này đơn đặt hàng khá nhiều nên ngoài tuyển dụng 70 công nhân lắp ráp, chúng tôi cần tuyển 30 lao động có tay nghề ở nhiều vị trí khác nhau. Công ty đã đăng tải thông tin tuyển dụng lên mạng xã hội, song số lượng tuyển vẫn chưa nhiều”.

Chúng tôi tiếp tục cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung - cầu. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ tổng hợp phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động và tăng cường kết nối trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội

Theo bà Ước, để bù đắp số lượng lao động thiếu hụt, công ty cũng đã thông báo tiếp nhận thực tập sinh năm cuối các trường kỹ thuật vừa học vừa làm. Công ty hỗ trợ tiền ăn và trả lương từ 130.000 - 150.000 đồng/ngày.

Bà Hoàng Thị Trinh, Trưởng phòng nhân sự Công ty cổ phần thương mại địa ốc An Phúc, cho hay do thiếu hụt lao động, khoảng 1 tháng nay công ty phải liên hệ với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tuyển nhân sự.

“Chúng tôi cần tuyển 50 nhân viên kinh doanh để tăng cường mở rộng chi nhánh mới. Trước đây chúng tôi liên kết với các trường đại học để tuyển dụng sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, đợt này sinh viên về quê học trực tuyến chưa quay trở lại nên việc tuyển dụng khó khăn hơn. Việc tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm giúp chúng tôi kết nối và phỏng vấn thêm nhiều lao động từ các địa phương”, bà Trinh nói.

Mở thêm nhiều phiên giao dịch việc làm cho lao động mất việc

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ông Vũ Quang Thành cho biết trung tâm sẽ vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kết nối cung - cầu.

Để giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp, ông Vũ Quang Thành cho biết: “Chúng tôi tiếp tục triển khai thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung - cầu. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ tổng hợp phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động và tăng cường kết nối trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp qua Zalo, Facebook”.

Nhận định về thị trường việc làm cuối năm, ông Thành cho rằng với nhiều dấu hiệu khả quan về tốc độ tiêm chủng, tình hình kiểm soát dịch bệnh, thị trường lao động tại Hà Nội sẽ có tốc độ phục hồi nhanh trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp tết, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp dự báo sẽ ngày càng tăng cao trong những tháng tới.

“Nhu cầu tuyển dụng sẽ có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm ở ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghệ thông tin... Trong đó, các vị trí sẽ được chú trọng nhất là nhân viên văn phòng, lao động đã qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Ngành dịch vụ dự kiến sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng cao do nhu cầu mua sắm mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới. Đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông”, ông Thành thông tin.

Căn cứ vào tình hình thị trường lao động, ông Thành cho biết các hoạt động giao dịch việc làm vẫn hướng đến hỗ trợ trực tuyến là chính và hạn chế các hoạt động trực tiếp. “Qua đánh giá nhu cầu sử dụng lao động và tình hình thiếu hụt lao động, chúng tôi tiếp tục tổ chức kết nối trực tuyến thêm với nhiều tỉnh, thành. Đặc biệt tại Hà Nội, nếu kiểm soát dịch tốt, chúng tôi sẽ phối hợp với các quận, huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động cho lực lượng lao động tạm ngưng việc, nghỉ việc, mất việc do dịch Covid-19”, ông Thành nói.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực đang là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất, kinh doanh. Một số ngành thiếu hụt lao động lớn như: điện tử (55,6%), da giày (51,7%), may (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), dệt (39,5%)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.