Năm 2009, Cao tốc TP.HCM - Trung Lương trở thành đường cao tốc đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Việt Nam. Kể từ thời điểm đó, giấc mơ về một mạng lưới cao tốc trải rộng khắp đất nước hình chữ S hình thành trong tâm thức nhiều tài xế Việt. Giấc mơ này ngày càng hiện thực hơn khi những năm gần đây, Chính phủ liên tục đẩy mạnh việc triển khai xây dựng và lần lượt đưa vào khai thác hàng loạt tuyến cao tốc mới. Dự kiến không lâu nữa, cao tốc sẽ nối liền từ Bắc vào Nam giống Quốc lộ 1 như hiện nay.
Đây chắc chắn là một thành tựu đáng tự hào, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng giao thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thời gian qua cũng nổi lên khá nhiều vấn đề, bất cập đáng lo ngại về việc đi lại trên các tuyến cao tốc, như hạn chế về hạ tầng, kẹt xe hay những vụ tai nạn liên tiếp. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, với hàng loạt tình huống va chạm liên hoàn. Trong đó, tâm điểm là vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 người thiệt mạng. Những sự cố khiến nhiều người đang không khỏi hoang mang và có phần lo lắng về cao tốc cũng như việc lái xe trên cao tốc.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng thực trạng hiện nay tại các tuyến cao tốc ở Việt Nam là điều có thể hiểu và phần nào chấp nhận được. Trước đây khi nghiên cứu về cao tốc, tôi từng đọc nhiều tài liệu về lịch sử phát triển cao tốc và giao thông của Nhật Bản. Trong đó, đáng chú ý có những thông tin về việc nước này từng xếp đầu thế giới về tai nạn giao thông (thập niên 70 của thế kỷ XX), giai đoạn Nhật Bản mới phát triển và mở rộng hệ thống đường sá, trong đó có cao tốc.
Ban đầu, người Nhật nhận định nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn liên tiếp là do cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Chính vì vậy, thập niên sau đó, Chính phủ nước này đã không ngừng nỗ lực xây dựng và cải thiện hệ thống đường, biển báo cũng như sửa đổi luật giao thông. Tuy nhiên, thực tế tỉ lệ tai nạn giao thông vẫn không giảm trong suốt nhiều năm. Điều này buộc Nhật Bản phải tìm thêm giải pháp. Và bất ngờ thay, "thuốc giải" cho bài toán về tai nạn giao thông, đặc biệt trên các tuyến cao tốc lại chính là giáo dục.
Cụ thể, trong 2 thập niên cuối thế kỷ XX, Chính phủ Nhật Bản đã đưa vào chương trình giáo dục một bộ môn riêng về văn hóa và các quy tắc giao thông, giảng dạy ngay từ cấp mẫu giáo. Và kết quả đã nằm ngoài mong đợi. Số liệu cho thấy, đến năm 2008, từ một "điểm đen" về tai nạn giao thông, Nhật Bản vươn lên trở thành một trong những nước có số người chết vì tai nạn giao thông thấp nhất toàn cầu. Kết quả này đã phơi bày một thực tế, rằng nguyên nhân của phần lớn vụ tai nạn giao thông là do người tham gia giao thông chưa biết cách xử lý tình huống và điều khiển phương tiện sao cho đúng và an toàn, nhất là trên các tuyến cao tốc có tốc độ lưu thông tối đa nhanh gấp đôi so với các tuyến đường thông thường.
Nói chuyện về kinh nghiệm của người Nhật để thấy, giao thông Việt Nam thời điểm hiện tại có phần nào đó giống với Nhật Bản những năm giữa thập niên 70. Đặc biệt là giai đoạn "hồng hoang" của hệ thống đường cao tốc. Khi mà mọi thứ đều mới mẻ và chưa hoàn chỉnh, việc xảy ra tai nạn là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta cũng cần đưa ra "lời giải" cho bài toán này.
Ai cũng thừa nhận rằng, lái xe trên cao tốc khác biệt và áp lực hơn đường thường rất nhiều, nhưng lại thấy ít người đề cập đến việc học hỏi, trau dồi; ít chương trình giáo dục sâu về các kỹ năng để lái xe an toàn trên loại đường này.
Đến nỗi, có một thực tế đáng báo động là rất nhiều xe tham gia giao thông trên cao tốc tại Việt Nam hiện nay, tài xế điều khiển là tài mới hoàn toàn, chưa từng tiếp xúc với cao tốc trước đó. Hoặc "lâu lâu" mới lái xe một lần như tài xế điều khiển chiếc SUV 7 chỗ trong vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa qua. Cá biệt còn có không ít trường hợp tài xế lái ô tô nhưng chưa biết cách đọc đúng biển chỉ dẫn, các biển báo về tốc độ… Vậy thì lấy gì để đảm bảo an toàn?
Sau những vụ tai nạn, chúng ta hay có thói quen đổ lỗi cho hạ tầng giao thông, cho những tồn tại khách quan; nhưng lại không muốn nhìn nhận rằng lỗi chính nhất vẫn đến từ sự chủ quan, kém ý thức và kiến thức của người tham gia giao thông.
Chính vì vậy, để có thể xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, song song với việc nâng cấp, cải thiện hạ tầng; mỗi tài xế cần học và rèn luyện cả kiến thức, kỹ năng trước khi lái xe vào cao tốc. Từ những quy định an toàn đến những quy tắc như nhập làn, chuyển làn, giữ khoảng cách an toàn hay vượt các phương tiện khác… chỉ khi nắm vững và tuân thủ đúng luật, cũng như các quy tắc và văn hóa giao thông, chúng ta mới có thể cải thiện được tình trạng tai nạn và có được một mạng lưới giao thông văn minh, hiện đại.
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kỹ sư cầu đường đang sống và làm việc tại Hà Nội. Đóng góp bài viết, câu hỏi xin gửi về xe@thanhnien.vn hoặc thainguyenthanhnien@gmail.com
Bình luận (0)