Theo Nikkei, sáng 5.3, một máy bay tư nhân hạ cánh sân bay quốc tế Đào Viên Đài Loan. Vừa xuống máy bay, ông Enrique Lores, Giám đốc điều hành tập đoàn công nghệ thông tin HP, người được miễn trừ hai tuần cách ly bắt buộc của Đài Loan, đã ngay lập tức bắt tay vào công việc.
Cụ thể, ông Lores gặp một nhóm giám đốc điều hành cấp cao của các công ty sản xuất chip Đài Loan, thúc giục họ nhanh chóng cung cấp thiết bị bán dẫn cho HP. Chuyến công tác khẩn cấp bí mật của ông Lores tại Đài Loan chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ, giữa lúc tình trạng thiếu chip máy tính trên toàn cầu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Cuộc khủng hoảng chip hiện tại là kết quả kéo theo từ quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vào tháng 5.2020, với mục đích ngăn chặn các công ty trên thế giới sử dụng máy móc và phần mềm của Mỹ để thiết kế, sản xuất chip cho Huawei Technologies hoặc các công ty con của hãng viễn thông Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 9.2020.
Trước khi lệnh cấm được đưa ra, Huawei đã dựa vào công nghệ của Mỹ để sản xuất chip cho điện thoại thông minh và máy tính bảng. Động thái cứng rắn của chính quyền ông Trump về việc cấm các công ty Mỹ có công nghệ nhạy cảm giao dịch với Huawei, nếu không có giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ, rõ ràng khiến Huawei khó đảm bảo có được nguồn cung thiết bị bán dẫn tiên tiến từ phía Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan.
Theo một nguồn thạo tin trong ngành, Huawei đã sử dụng “tất cả tiền và quyền mà họ có” để mua càng nhiều chip từ TSMC càng tốt, mục đích là tích trữ hàng tồn trước khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực. Hành động thu gom của Huawei cuối cùng đã dẫn đến tình trạng thiếu chip trầm trọng.
Trong một bức thư ngày 25.9.2020, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ đã xác định hàng xuất khẩu cho nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) hoặc các công ty con của hãng này “có thể gây ra rủi ro không thể chấp nhận khi chúng được chuyển hướng sang mục đích quân sự ở Trung Quốc”. Bức thư này khiến các nhà sản xuất chip của Mỹ nhận thức được mức độ nghiêm trọng của chính phủ trong việc trừng phạt lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc. Nó cũng thúc đẩy các giám đốc điều hành cấp cao tăng cường đến Đài Loan, nơi có nhiều nhà sản xuất chip cạnh tranh, để đảm bảo nguồn cung cấp chip.
Tuy nhiên, các hành động của Mỹ để hạn chế Huawei và SMIC cũng dẫn đến việc tập trung sản xuất chip ở Đài Loan, tạo ra sự không chắc chắn và gián đoạn cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Tình trạng thiếu hụt gây khó khăn đặc biệt cho các nhà sản xuất ô tô vì việc sản xuất xe vốn phải dựa vào hàng chục chip máy tính để bộ phận điện tử điều khiển động cơ, hộp số và các hệ thống khác. Vì thiếu chip, nên Ford Motor buộc phải thông báo giảm 20% sản lượng vào đầu năm nay. General Motors đầu tháng 2.2021 cho biết cuộc khủng hoảng chip có thể làm mất 2 tỉ USD lợi nhuận của công ty trong năm nay.
Chính phủ Nhật Bản, Mỹ và Đức trong các động thái bất thường gần đây đã kêu gọi Đài Loan tăng sản lượng chip. Nhưng tình hình dường như vẫn không chuyển biến tốt đẹp hơn. Ngày 18.2, Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn và 15 nhóm kinh doanh khác đã gửi một lá thư đến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, kêu gọi hành động nhanh chóng để giải quyết tình trạng thiếu thiết bị bán dẫn hiện tại. Sự thiếu hụt thành phần thiết yếu cho ô tô, điện thoại và các thiết bị điện tử khác đang đặt ra thách thức sớm đối với lời hứa của ông Biden về việc vực dậy lĩnh vực sản xuất đang suy yếu vì đại dịch Covid-19.
Sáu ngày sau khi bức thư được gửi đi, ông Biden đã ký một lệnh điều hành để giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Mỹ trên các lĩnh vực quan trọng. Ông Biden cũng cho biết sẽ tìm kiếm 37 tỉ USD tài trợ nhằm tăng cường sản xuất chip trong nước, bao gồm cả quỹ cho nhà máy mới của TSMC ở Mỹ.
Tuy nhiên, TSMS không phải là công ty quan trọng duy nhất đối với chiến lược của Washington trong việc ứng phó với thách thức của Trung Quốc để có vị thế công nghệ tối cao. Không lâu trước khi ông Biden ký sắc lệnh hành pháp, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nói chuyện qua điện thoại với Geoffrey van Leeuwen, cố vấn đối ngoại và quốc phòng của Thủ tướng Hà Lan, để "thảo luận về sự hợp tác chặt chẽ của về công nghệ tiên tiến và an ninh mạng”. Một quan chức trong chính quyền Mỹ sau đó tiết lộ thêm rằng cố vấn an ninh của cả hai nước đã nói chuyện về ASML Holding, nhà sản xuất thiết bị quang khắc cho công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới của Hà Lan. TSMC và ASML hiện là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu.
Song, tạm gác lại vấn đề hợp tác với Hà Lan, điều đáng nói là cuộc chiến để dẫn trước về công nghệ bán dẫn đã khiến cả Mỹ và Trung Quốc phải phụ thuộc vào Đài Loan. Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo ngày 1.3 cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu Mỹ tiếp tục dựa vào Đài Loan về thiết bị bán dẫn, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng muốn tiếp quản hòn đảo này.
Sự thiếu hụt chip cũng đặt ra một thách thức chính sách nghiêm trọng cho cả Washington và Bắc Kinh vào thời điểm việc mở rộng sử dụng công nghệ AI được dự đoán sẽ thúc đẩy nhu cầu về thiết bị bán dẫn tiên tiến trong những năm tới.
Bình luận (0)