EU trừng phạt Belarus
Vấn đề người di cư tại biên giới Ba Lan - Belarus vẫn đang là điểm nóng trong quan hệ giữa Belarus và châu Âu. Reuters đưa tin các bộ trưởng ngoại giao Liên minh Châu Âu (EU) ngày 15.11 đồng thuận về việc thay đổi khung trừng phạt của khối sau cuộc họp tại Brussels (Bỉ). Thay đổi này giúp EU có thể áp các biện pháp trừng phạt mới lên Minsk.
Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell cho biết gói trừng phạt mới sẽ nhắm vào các cá nhân, hãng hàng không và công ty du lịch đã giúp người di cư đến Belarus. Ủy ban Châu Âu cũng thông báo cơ quan này đang đánh giá xem ngoài hãng hàng không quốc gia Belavia của Belarus, còn hãng hàng không nào liên quan vụ việc này hay không.
Người di cư tập trung ở biên giới Belarus - Ba Lan để vượt qua cửa khẩu Bruzgi-Kuznica ở Belarus ngày 15.11 |
Reuters |
Những biện pháp trừng phạt mới có thể làm cuộc khủng hoảng thêm bế tắc. Trước cuộc họp của các ngoại trưởng EU, Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus ngày 15.11 cảnh báo Minsk sẽ trả đũa nếu bị áp thêm lệnh trừng phạt. Tuy vậy, ông Lukashenko cũng dịu giọng lại khi cho biết Belarus không muốn tình hình tại biên giới leo thang thành một cuộc xung đột và Minsk đang cố gắng thuyết phục những người di cư hồi hương.
Đám tang của một thiếu niên khắc họa rõ nét cuộc khủng hoảng di cư tại Belarus |
Cùng ngày, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin cho biết Nga sẵn sàng làm trung gian giữa Belarus và EU để giải quyết vấn đề, theo AFP. Ông Peskov cũng cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ trao đổi với Tổng thống Lukashenko.
Trước khi các biện pháp trừng phạt được thông qua, ông Borrell đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Vladimir Makei của Belarus ngày 14.11. Cao ủy Borrell đã kêu gọi Belarus dừng việc “dùng con người làm vũ khí”. Trong khi đó, ngoại trưởng Belarus nhấn mạnh với EU rằng các biện pháp trừng phạt sẽ phản tác dụng.
Nỗ lực giải quyết khủng hoảng
Nhiều tháng qua, hàng ngàn người di cư, chủ yếu từ Trung Đông, đã tìm cách đi vào các nước EU thông qua biên giới Belarus - Ba Lan. Tuy nhiên, họ bị kẹt lại ở khu vực biên giới trong các trại tị nạn, gây nên tình hình căng thẳng ở châu Âu và một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
CNN dẫn lời quan chức Belarus ngày 12.11 cho biết hiện có khoảng 2.000 người di cư, trong đó gồm 600 phụ nữ và 200 trẻ em, tập trung tại biên giới 2 nước. Trong khi đó, Ba Lan cho biết có 3.000 - 4.000 người di cư đang ở biên giới.
Phương Tây cáo buộc chính phủ của Tổng thống Lukashenko tạo ra cuộc khủng hoảng khi nới lỏng chính sách thị thực để khuyến khích người di cư đến Belarus rồi đưa họ đến biên giới. Các hành động này được cho là nhằm trả đũa những lệnh trừng phạt EU áp lên Minsk trước đó liên quan cuộc bầu cử tháng 8.2020. Belarus đã phủ nhận cáo buộc và đổ lỗi cho phương Tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bác bỏ sự liên quan cuộc khủng hoảng và thúc giục EU đối thoại với Belarus.
Tổng thống Putin bất ngờ vì lời đe dọa của tổng thống Belarus? |
Hiện các bên đều đang tìm cách giải quyết vấn đề này. Reuters đưa tin Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 14.11 kêu gọi NATO có các bước cụ thể vì lời nói không đủ để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Ông Morawiecki cho biết mình đang cùng lãnh đạo Latvia và Lithuania xem xét việc yêu cầu NATO họp khẩn để đốc thúc liên minh này hành động. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Zbigniew Rau ngày 13.11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Washington với Warsaw.
Sau chiến dịch ngoại giao của EU, các nước Trung Đông đã đưa ra những biện pháp để giảm dòng người di cư đổ về Belarus. Chính phủ Iraq thông báo nước này sẽ tổ chức một chuyến bay hồi hương ngày 18.11 cho các công dân đang kẹt tại biên giới Belarus - Ba Lan tự nguyện quay về nước. Từ ngày 14.11, người Iraq và Syria không thể lên máy bay ở Dubai đến Belarus. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cấm người Iraq, Syria và Yemen bay tới Belarus. Hãng hàng không tư nhân Cham Wings Airlines của Syria cũng đang tạm dừng các chuyến bay đến Minsk.
Bình luận (0)