Căng thẳng Nga - phương Tây tăng nhiệt

Bảo Vinh
Bảo Vinh
28/03/2018 07:15 GMT+7

Ít nhất 25 nước tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga trong vụ đối đầu ngoại giao được coi là nghiêm trọng nhất từ thời Chiến tranh lạnh.

Hôm qua, hành động trả đũa nhắm vào Nga liên quan đến vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal ngày 4.3 tại thành phố Salisbury (Anh) tiếp tục gia tăng. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tuyên bố nước này sẽ trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ tấn công mà London quy trách nhiệm cho Moscow. Reuters dẫn lời ông Turnbull nói động thái của Úc “thể hiện sự đoàn kết với Anh và các đồng minh, đối tác đồng thời tuân thủ Công ước Vienna”. Ngoài ra, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hôm qua cũng để ngỏ khả năng áp đặt các biện pháp đáp trả khác. Cùng ngày, Đại sứ quán Nga lên án “quyết định đáng tiếc của Úc đã làm tổn hại quan hệ song phương” và chỉ trích nước này “mù quáng làm theo đồng minh, đi ngược với các quy tắc quốc tế”.
Cũng trong ngày 27.3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố sẽ trục xuất nhân viên tình báo Nga hoạt động tại nước này, còn Bộ Ngoại giao Iceland thông báo tạm hoãn mọi kênh đối thoại song phương cấp cao với Nga và các nhà lãnh đạo Iceland sẽ không đến dự khai mạc World Cup vào mùa hè này.
Tính đến hôm qua, ít nhất 140 nhà ngoại giao Nga tại 25 nước đã bị yêu cầu rời đi (trong đó có 23 người tại Anh) và đây là “vụ trục xuất tập thể đối với tình báo Nga lớn nhất lịch sử”, theo lời Thủ tướng Anh Theresa May. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga thông báo sẽ “đáp trả thích hợp”, nhất là về quyết định của Mỹ trục xuất 60 quan chức ngoại giao nước này, cũng như đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle.
Moscow nhấn mạnh đến nay vẫn không một bên nào cung cấp được bằng chứng rõ ràng cho thấy Nga đứng sau vụ đầu độc ông Skripal và con gái Yulia bằng chất độc thần kinh. Trước đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya nói với giới phóng viên ở New York rằng “mối quan hệ Nga - Mỹ đã chìm trong khủng hoảng một thời gian”, đồng thời tuyên bố Moscow sẽ có câu trả lời cho hành động của Washington.
Theo giới quan sát, làn sóng trục xuất có thể gây tác động lớn đến mạng lưới tình báo của Nga tại phương Tây. Đa số những quan chức ngoại giao phải về nước lần này bị cho là tham gia hoạt động tình báo tại quốc gia sở tại. Nhà Trắng tuyên bố trong số 60 nhà ngoại giao Nga bị đuổi có 48 người là “điệp viên có liên hệ với ngoại giao đoàn ở Mỹ, còn 12 người hoạt động tại trụ sở LHQ ở New York”. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cũng nhấn mạnh việc trục xuất nhằm đáp lại hoạt động gián điệp “không thể chấp nhận được” của Nga.
AP dẫn lời ông Brian McKeon, Trợ lý thứ nhất Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách thời Tổng thống Barack Obama, nhận định việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga tại Seattle xuất phát từ lo ngại của giới an ninh về tình trạng Moscow do thám các cơ quan quân sự và công nghệ tại đây. Seattle không chỉ có cảng hải quân Kitsap, nơi đóng trú của đội tàu ngầm hạt nhân Mỹ, mà còn là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn lớn như Boeing và Amazon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.