Căng thẳng vụ UAV Mỹ rơi ở biển Đen

16/03/2023 06:27 GMT+7

Lầu Năm Góc nói một chiến đấu cơ của Nga đã đâm rơi một máy bay không người lái (UAV) của Mỹ ở biển Đen, nhưng Moscow bác bỏ cáo buộc và mô tả hoàn toàn khác.

Có va chạm hay không ?

Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết sự việc xảy ra khi một chiếc MQ-9 Reaper, dòng UAV trinh sát chủ lực của quân đội Mỹ, thực hiện nhiệm vụ thông thường ở biển Đen vào sáng 14.3 (giờ địa phương), theo Reuters. Khi đó, 2 tiêm kích Su-27 của Nga đã bay gần chiếc MQ-9 và vài lần lao lên trước, xả nhiên liệu vào UAV của Mỹ "một cách liều lĩnh, gây hại cho môi trường và thiếu chuyên nghiệp". Sau khoảng 30 - 40 phút, một trong hai chiếc Su-27 đã đụng trúng cánh quạt của MQ-9, buộc lực lượng Mỹ phải cho chiếc UAV này rơi xuống biển.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nga đối thoại sau vụ UAV MQ9 Reaper rơi ở biển Đen

"Tình huống cho thấy họ không chỉ hành động một cách thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp mà còn thiếu năng lực", Bộ Tư lệnh châu Âu thuộc quân đội Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực, cho biết trong một tuyên bố. Lầu Năm Góc nhấn mạnh UAV của Mỹ hoạt động trong không phận quốc tế.

Căng thẳng vụ UAV Mỹ rơi ở biển Đen - Ảnh 1.

Một chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ tại căn cứ ở Estonia hồi tháng 7.2020

Reuters

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố chiếc MQ-9 đã bay gần bán đảo Crimea - khu vực mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014, và hướng tới các vùng lãnh thổ mà Nga coi là của mình, theo Hãng tin TASS. Tuyên bố cho rằng UAV của Mỹ đã tắt bộ tiếp sóng và xâm phạm không phận được thiết lập tạm thời cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine. Do bay quá nhanh, chiếc MQ-9 đã mất kiểm soát, mất cao độ và rơi xuống biển, trong khi máy bay của Nga hoàn toàn không va chạm với UAV của Mỹ.

Theo mô tả của giới chức Mỹ, đây là va chạm trực tiếp đầu tiên được biết đến giữa quân đội Mỹ và Nga kể từ khi xung đột bùng nổ ở Ukraine hồi tháng 2.2022. Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu tập Đại sứ Nga Anatoly Antonov vào tối 14.3 để bày tỏ phản đối chính thức. Phát biểu với truyền thông Nga sau cuộc gặp này, ông Antonov cho biết Moscow xem chuyến bay của MQ-9 ở biển Đen là hành động "khiêu khích". Ông cũng cáo buộc các UAV của Mỹ thu thập thông tin để giúp Ukraine thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga trong tương lai.

Tổng thống, chỉ huy quân đội Ukraine tuyên bố quyết giữ Bakhmut

Dù vậy, nhà ngoại giao Nga cũng cho biết Moscow "không tìm kiếm đối đầu và ủng hộ hợp tác thực tế vì lợi ích của người dân chúng ta", ủng hộ việc duy trì liên lạc giữa 2 nước, theo TASS. Trong khi đó, tờ The New York Times (NYT) dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng vụ đâm rơi UAV không phải là "nước cờ có tính toán" của Nga. Giới chức ở Washington không tin rằng Moscow chủ đích dùng Su-27 để "chặt" cánh quạt của MQ-9 vì hành động mạo hiểm này có thể dễ dàng hạ gục không chỉ UAV của Mỹ mà cả tiêm kích của Nga.

Tổn thất 32 triệu USD

Theo NYT, MQ-9 Reaper là phiên bản mới hơn, lớn hơn của MQ-1 Predator, loại UAV được không quân Mỹ sử dụng cho đến năm 2018. Reaper nhanh hơn, có cảm biến nhạy hơn và có thể mang nhiều đạn dược hơn, với giá thành lên đến 32 triệu USD/chiếc. Được sử dụng cho cả mục đích trinh sát và tấn công, nó có thể đạt tốc độ lên đến 440 km/giờ và bay ở độ cao 15 km.

Chiếc MQ-9 trong sự vụ ở biển Đen đã cất cánh từ một căn cứ Romania với kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trinh sát kéo dài khoảng 9 - 10 tiếng. Bay ở độ cao gần 8 km, các camera tinh vi và các cảm biến khác của chiếc UAV này có thể quan sát Crimea từ không phận quốc tế.

UAV MQ-9 Reaper của Mỹ vừa rơi trên biển Đen khi "đụng độ" Su-27 Nga có gì đặc biệt?

Việc trục vớt chiếc MQ-9 có thể khó khăn. Theo báo The Wall Street Journal, các tàu hải quân Mỹ ngừng hoạt động ở biển Đen vì Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kiểm soát tàu bè ra vào vùng biển này, đã cấm tàu chiến đi qua eo biển Bosporus ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. 

Phương Tây sẽ gửi chiến đấu cơ cho Ukraine ?

Theo Reuters, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 14.3 cho biết nước này có thể cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu MiG-29 "trong vòng 4 - 6 tuần tới". Trước đó, Ba Lan nói họ sẵn sàng gửi chiến đấu cơ đến Ukraine khi việc này được thực hiện thông qua một "liên minh quốc tế". Do đó, phát biểu của ông Morawiecki báo hiệu phe ủng hộ Kyiv sắp đạt được thỏa thuận về bước tiếp theo của nỗ lực hỗ trợ quân đội Ukraine chống lại Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.