Đó là nhận định ông Nguyễn Bá Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đưa ra tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều nay 17.9, thông tin về tác động của bão số 5.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, dự báo trong ngày mai, 18.9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Trung bộ. Trong đó, vùng trọng tâm bão đổ bộ dự kiến gồm 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.Theo dự báo, bão số 5 đổ bộ đất liền với gió mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13. Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế sẽ có sóng lớn cao từ 3 - 5 m.
Nhận định về tác động của bão số 5, ông Nguyễn Bá Thủy cho rằng, đối với mỗi cơn bão, ngoài gió mạnh và mưa lớn thì khu vực ven biển cần đề phòng nước biển dâng kèm theo sóng.
Trên thế giới đã có nhiều cơn bão gây thiệt hại chủ yếu là do nước dâng và sóng lớn gây ngập lụt diện rộng. Trong đó, ở Việt Nam đã từng ghi nhận có cơn bão Haiyen 2013 gây ra sóng lớn ngập lụt diện rộng cho vùng ven biển.
Ông Thủy cũng nhấn mạnh, trong lịch sử, khu vực bão số 5 dự kiến đổ bộ đã từng ghi nhận có 2 cơn bão là bão Xangsane năm 2016 và bão Ketsana năm 2009 khiến nước dâng, kèm theo sóng lớn gây ngập lụt rất rộng, nhất là khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế.
Cơn bão số 5 mặc dù cường độ không mạnh như 2 cơn bão Xangsane 2016 và Ketsana năm 2009, tuy nhiên, cần đề phòng nước biển dâng, kèm theo sóng gây ngập lụt, nhất là khu vực đầm phá Thừa Thiên - Huế, vì đây là khu vực trũng, lại không có hệ thống đê biển.
Ông Thủy cũng lưu ý, nếu bão đổ bộ trong buổi trưa và chiều mai thì đây là thời điểm thủy triều cao, cộng hưởng thủy triều sẽ là tác động cho nước biển dâng, sóng sẽ mạnh hơn.
“Chúng tôi hy vọng cường độ bão đổ bộ vào bờ sẽ không mạnh để gây ra khả năng nước dâng, sóng lớn như dự báo hiện nay, để hạn chế thiệt hại do nước biển dâng, sóng lớn gây ra”, ông Thủy nói.
Bình luận (0)