Cảnh báo các hình thức lừa đảo đa cấp, tiền ảo biến tướng

14/02/2022 17:47 GMT+7

Hoạt động lừa đảo theo hình thức đa cấp biến tướng hay xoay quanh tiền ảo vẫn diễn ra dù đã được cảnh báo nhiều.

Cuối tuần qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đưa ra cảnh báo hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép của ứng dụng Limbic Arc. Cụ thể, một số tổ chức, cá nhân mời gọi người dân sử dụng một ứng dụng điện tử có tên Limbic Arc hay InfoBoosts. Ứng dụng này được các đối tượng giới thiệu là công nghệ năng lượng lượng tử và công nghệ chăm sóc sức khỏe chủ động của thời đại mới với nhiều tác dụng chữa bệnh, bao gồm cả công dụng đối với bệnh nhân mắc Covid-19. Ngoài các công dụng trị bệnh, các đối tượng này giới thiệu những người tham gia mời gọi thêm các thành viên khác để được hưởng hoa hồng lợi ích theo mô hình đa cấp. Tuy nhiên ứng dụng này chưa được cấp phép hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam.

Hứa hẹn hoa hồng cao của ứng dụng Limbic Arc

Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng

Trên thực tế, không chỉ ứng dụng được quảng bá chăm sóc sức khỏe như trên theo hình thức đa cấp mà gần đây, hàng loạt quảng cáo tặng tiền ảo cũng xuất hiện nhiều. Thông qua các tài khoản quảng cáo trên mạng Facebook, YouTube, những bài viết giả danh những người thành lập các dự án tiền số "coin" lớn, yêu cầu người dùng gửi tiền vào một địa chỉ ví để nhận lượng tài sản kỹ thuật số có giá trị cao hơn. Ví dụ kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng gửi 0,05 - 10 tiền ảo ETH vào địa chỉ ví để nhận được số lượng ETH lên đến 100 đồng. Tuy nhiên, khi gửi thành công số tiền mà kẻ lừa đảo yêu cầu, người dùng sẽ không nhận lại được khoản thưởng và mất toàn bộ số tiền trên. Thậm chí có một số cá nhân bỗng nhiên nhận được số lượng coin có giá trị cao lên đến vài chục nghìn USD vào ví tiền mã hóa cá nhân. Tuy vậy, số coin này không thể quy đổi ra loại tài sản khác. Ngược lại, khi người dùng thực hiện lệnh bán số coin đó, toàn bộ tài sản trong ví bị đánh cắp.

Hoặc theo một số chuyên gia bảo mật, gần đây khi thị trường tiền số được nhiều người quan tâm thì đã có các trang web giả mạo sàn tiền số được chạy quảng cáo và xuất hiện ở đầu mục kết quả tìm kiếm. Kẻ lừa đảo thường sử dụng các tên miền giả để lấy tiền và thông tin cá nhân của nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin. Bên cạnh đó, trong các hội nhóm đầu tư tiền mã hóa, kẻ lừa đảo thường tạo các tài khoản giả mạo quản trị viên để lừa tiền. Cụ thể, kẻ gian sẽ sử dụng hình ảnh, tên người dùng giống hệt quản trị viên và nhắn tin cho nhà đầu tư để gọi vốn, yêu cầu gửi tiền. Nếu không cẩn thận, người dùng sẽ bị sập bẫy...

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua, tình trạng kinh doanh theo phương thức đa cấp đã diễn biến phức tạp, có dấu hiệu biến tướng, tiềm ẩn các hành vi có tính chất lừa đảo. Một số tổ chức đa cấp giả mạo trang bị nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người để lôi kéo, kêu gọi các thành viên tham gia mạng lưới đa cấp phi pháp. Đa số những hoạt động đó đều hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn; Chủ yếu tập trung tuyển dụng thêm người; Không chú trọng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.