Cảnh báo đỏ và tím với tia UV, kéo dài đến bao giờ?

Chí Nhân
Chí Nhân
14/04/2022 16:41 GMT+7

Trong những ngày qua ở các tỉnh phía nam, cường độ tia UV (cực tím) đạt giá trị cực đại vì sao và nó sẽ kéo dài đến bao giờ?

Các bản tin cảnh báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím và tiềm năng nhiệt của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia những ngày qua đều cho thấy chỉ số tia UV ở nhiều địa phương Nam bộ như: Đà Nẵng, Pleiku (KonTum), Quy Nhơn (Bình Định), TP.HCM… đều ở mức cao cận cực đại 10/11 và đặc biệt như Phú Quốc đạt cực đại 11/11. Với cường độ tia cực tím cao ở mức nêu trên, người dân nên ở dưới bóng mát, che chắn cẩn thận, bôi kem chống nắng, đeo kính râm và đội mũ khi ra ngoài trời.

Cường độ tia UV (cực tím) ở mức cao trên nhiều địa phương Nam bộ

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Ths Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng, cho biết: Sau ngày Xuân phân 21.3, chuyển động biểu kiến của mặt trời từ nam bán cầu vượt qua xích đạo lên bắc bán cầu, đi ngang qua từ Nam bộ trước rồi tới Nam Trung bộ, Tây nguyên. Điều này làm cho cường độ bức xạ mạnh, cường độ tia UV (cực tím) ở mức cao. Tình trạng này sẽ kéo dài đến ngày Hạ chí (22.6) bức xạ sẽ đạt cường độ mạnh nhất. Đến ngày Thu phân (23.9), cường độ bức xạ sẽ giảm. Trong mùa cường độ bức xạ cao có thể kéo dài từ 9 - 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Tuy nhiên, cường độ nắng nóng sẽ giảm nhờ lượng mây che phủ nhiều như những ngày vừa qua.

Tia UV (Ultraviolet) hay còn gọi là tia tử ngoại, tia cực tím là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn bước sóng của ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn bước sóng của tia X. Chỉ số UV từ 8 - 10 có thời gian gây bỏng là 25 phút, đối với chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.

Các tia UV có mức năng lượng khác nhau sẽ có mức độ tác hại khác nhau đến sức khỏe và môi trường sống của con người:

Tia UVA (380 - 315 nm): có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da.

Tia UVB (315 - 280 nm): vẫn có khả năng xuyên một phần qua ozon và khí quyển, gây say nắng, tổn thương và làm đen da.

Tia UVC (280 - 100 nm): tia UV có năng lượng cao nhất, gây ung thư da nhưng đã có tầng ozon chặn lại.

Tia UVA, đây là bức xạ cực tím có tỷ lệ nhiều nhất (chiếm tới 97%) lượng tia, do UVA dễ dàng xuyên qua tầng ozon bảo vệ Trái đất. Tia UVA có thể xuyên qua giác mạc của mắt, đi vào thủy tinh thể hoặc võng mạc ở bên trong mắt. Tiếp xúc với bức xạ UVA quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng đục nhân mắt hay thoái hóa hoàng điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.