Cảnh báo gió tây nam khiến nước biển dâng cao tàn phá đê biển Tây Nam bộ

12/07/2022 19:53 GMT+7

Gió tây nam mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, kết hợp với triều cường gây ra sóng lớn sẽ là mối đe dọa trực tiếp cho các tuyến đê biển ở các tỉnh Nam bộ gồm Cà Mau, Kiên Giang , Sóc Trăng , và Bạc Liêu.

Chiều nay 12.7, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu đề nghị sẵn sàng ứng phó với gió mạnh, sóng lớn và triều cường trên biển.

Sạt lở đê biển Tây: Nhiều đoạn bị đe dọa nghiêm trọng, khẩn cấp hộ đê

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong đêm 12.7 và ngày mai 13.7, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9 khiến biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 - 5 m.

Sóng biển dâng cao đánh mạnh vào nhiều vị trí đê biển Tây tại Cà Mau trong ngày 12.7

ctv

Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và vùng biển phía đông của khu vực nam Biển Đông có gió tây nam mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 7 - 8, biển động; sóng biển cao từ 2 - 4 m.

Cũng theo văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, ngay trong ngày 11.7, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam kết hợp với triều cường đã gây ra sóng lớn, tràn cục bộ và sạt lở nhiều vị trí tại đê biển Tây, tỉnh Cà Mau.

Đây cũng là hình thái giống với tổ hợp thời tiết xấu ảnh hưởng từ đợt gió mùa tây nam xảy ra trong ngày 3.8.2019 gây ra nhiều sự cố đê điều, sạt lở mái đê trên tuyến đê biển Tây gây thiệt hại cho hàng chục nghìn ha lúa và cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo đó, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin đến các phương tiện hoạt động trên biển để chủ động kế hoạch sản xuất.

Các địa phương triển khai phương án bảo vệ an toàn các khu dân cư, gia cố các khu vực nuôi trồng thủy sản ở các cửa sông, ven biển; gia cố vị trí đê biển có nguy cơ mất an toàn; triển khai lực lượng canh gác đê, đặc biệt là các điểm xung yếu.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cũng yêu cầu riêng tỉnh Cà Mau khẩn trương huy động phương tiện, vật tư xử lý ngay các sự cố sạt lở đê biển đã xảy ra trong ngày 11.7 để đảm bảo an toàn.

Các địa phương được cảnh báo sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.