|
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6 năm nay, 78/125 người lao động của tỉnh Vĩnh Long làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng, chưa về nước, chiếm tỉ lệ 62,4%. Đơn cử trường hợp của Đinh Thị Ng. Th. (36 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh) sang Hàn Quốc làm việc đã 7 năm nay nhưng vẫn chưa chịu về, dù thời hạn chỉ có 3 năm. Gia đình hứa sẽ gọi con về làm thủ tục trở qua lại, nhưng tháng này qua tháng nọ vẫn biệt tăm. Hay như trường hợp của gia đình bà T. (ở xã Hòa Tịnh, H.Mang Thít) có 2 người con trai đều đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Đúng hạn, người em trai đã về lập gia đình sinh sống ở địa phương còn người anh trai hiện đã hơn 5 năm vẫn không chịu về…
Ông Lê Công Gia, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Vĩnh Long, cho biết trước năm 2010, số lao động ở Hàn Quốc không về nước đúng hạn chỉ có 0,8% thì nay đã tăng lên hơn 20%. Theo ông Gia, lao động ở Hàn Quốc nhận lương cao. Ngoài 1.200 USD/tháng, nếu làm thêm giờ, lao động nhận thêm khoảng 1.000 USD nữa. Bên cạnh nguồn thu nhập hấp dẫn ở nước sở tại, lao động VN còn sợ khi về nước làm thủ tục thi lại sẽ không đạt và khả năng trở lại Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn…
Theo ông Lương Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), từ đầu năm đến nay, lao động VN hết thời gian hợp đồng tại Hàn Quốc ở lại cư trú bất hợp pháp chiếm tỷ lệ khoảng 50%. Trong khi đó, bản ghi nhớ đặc biệt giữa Bộ LĐ-TB-XH Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB-XH VN chỉ có hiệu lực 1 năm. Từ nay đến cuối năm, cơ quan chức năng của VN sẽ xem xét đánh giá lại tỷ lệ lao động bất hợp pháp của chúng ta có giảm hay không. Nếu không giảm, nguy cơ phía Hàn Quốc không ký gia hạn bản ghi nhớ bình thường đối với lao động chúng ta là rất lớn.
Theo đại diện Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại VN, từ năm 2004 đến nay, Hàn Quốc tiếp nhận hơn 74.000 lao động VN theo chương trình cấp phép dành cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Tuy nhiên, số lao động VN không về nước đúng hạn ngày càng tăng. Nếu như tháng 10.2013 cả nước VN có 38,3% số lao động không về đúng hạn thì hiện nay con số này tăng lên gần 50%.
Thanh Đức
>> Kiểm tra việc sử dụng lao động nước ngoài
>> Sử dụng lao động nước ngoài trái phép
>> Quản lý chặt lao động nước ngoài tại VN
>> Truy" trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam
>> Rà soát lao động nước ngoài
>> Xuất khẩu lao động Hàn Quốc: Những điểm mới trong thủ tục
Bình luận (0)